Thứ năm, Ngày 02 Tháng 05 Năm 2024|

Về Vân Hà sắm tết chợ Vân

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Dưới bụi mưa xuân lất phất, tiếng cười nói rôm rả, tiếng bước chân nhộn nhịp mua bán cho ngày tết cùng với tiếng kinh cầu gõ mõ linh thiêng và làn khói hương nghi ngút ở một ngôi làng cổ ven sông Cầu, vào ngày 25 tháng chạp có một phiên chợ tết quê truyền thống và độc đáo được diễn ra - đó là Chợ Vân, làng Vân, xã Vân Hà, huyện Việt Yên.

Một góc chợ Vân (ảnh sưu tầm)

Chợ Vân hay chợ làng Vân, chợ Tam Quan là tên của phiên chợ tết quê truyền thống và độc đáo ở làng Vân, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang), chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào ngày 25 tháng chạp. Người dân đến chợ Vân  không giống như các phiên chợ khác, người mua kẻ bán đều nhỏ nhẹ niềm nở trao đổi với nhau vì địa điểm mở chợ là chốn tâm linh - sân chùa làng Vân.

Lịch sử hình thành phiên chợ

Chợ Vân là tên dân gian của phiên chợ vì gắn với tên làng, còn sở dĩ còn có tên gọi là chợ Tam quan vì chợ được mở ngay trong sân chùa làng Vân (chùa Diên Phúc). Văn bia ở chùa Diên Phúc, niên hiệu Khánh Đức thứ ba (1652) cho biết sự ra đời của chợ Vân như sau: "Quan viên tướng thần trong xã An Viên, huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà có trách nhiệm đứng lên mua vườn đất của mọi người trong làng và vận động các gia đình hảo tâm công đức để mở chợ mới, gọi là chợ Tam Bảo, ngày nào cũng mở nhưng phải giữ đúng thuần phong mỹ tục, thuận mua vừa bán, nếu người nào điên đảo vì lợi riêng, lấy tài vật của người đến bán ở chợ thì phải chịu sự trừng phạt với trời đất và thần thánh....". Bên cạnh đó, theo dân gian truyền lại thì xưa kia, khi Tam Quan chùa Diên Phúc được xây dựng xong, dân làng vui mừng mở phiên chợ vào ngày 25 tháng Chạp tại sân chùa. Từ đó đến nay, trở thành thông lệ, cứ đến ngày này, chợ Tam Quan lại được mở ở sân chùa.

Nét độc đáo của phiên chợ Vân

Chợ Vân chỉ mở duy nhất một ngày trong năm vào 25 tháng chạp. Người dân mang hàng hóa đến đây rất đông và từ nhiều nơi, không chỉ các sản phẩm trong vùng mà còn của các vùng lân cận. Người bán phải đến “xí” chỗ bán từ hôm trước, từ nửa đêm đã có rất nhiều người lục đục đẩy xe ba gác, xe thồ… mang hàng ra bày sẵn để chờ buổi chợ chính thức bắt đầu vào hôm sau. Mặt trời ló rạng, người dân làng Vân cũng như các vùng lân cận đổ về kín sân chùa để chọn những thứ mà mình cần mua sắm cho gia đình cũng như cho ngày tết truyền thống.

Phiên chợ Vân được tổ chức ở khu đất trống dưới sân chùa Vân của làng Vân. Nhiều khi, sân chùa chật kín hết chỗ, những người đến sau phải bày hàng ở ven cổng ngõ vào chùa thậm chí ra ngoài bến sông. Vì chợ mở trong sân chùa, nên hàng hóa của phiên chợ kiêng kỵ những thứ “uế tạp, hôi hám hay sát sinh” như thịt, cá, gia cầm, mắm tôm, nước mắm..... Hàng hóa của phiên chợ chủ yếu là sản phẩm làng nghề của địa phương và một số vùng lân cận, hay vật dụng trong gia đình như: giần, sàng, nong, nia, rổ, rá, dao, thớt, cuốc, xẻng... cùng những món hàng đặc trưng ngày tết như lá dong, sợi giang, hoa tươi...

Chợ Vân bắt đầu họp từ lúc 5 giờ sáng cho đến chiều tối ngày 25 tháng Chạp âm lịch hàng năm, nhưng từ lúc 12 giờ đêm của ngày hôm trước đã bắt đầu có người đến chợ để mua bán. Chợ đông người nhất vào khoảng giữa buổi cùng ngày. Người dân ai đến chợ cũng đều mua một thứ hàng quà gì đó để về thắp nhang, làm quà cho ông bà, tổ tiên đã khuất. Các em bé thì hào hứng, vui cười bấu áo bà, áo mẹ và nũng nịu đòi mua quần áo, đồ chơi. Các cụ già chống gậy mua quả cau, miếng trầu nhai đỏ môi ngày tết. Các chị, các mẹ thì nhộn nhịp chọn mua cái rổ, cái giá, sợi lạt, lá dong... Khi đến chợ hoặc sau khi kết thúc buổi chợ, ai ai cũng ghé vào trong ngôi chùa cổ ven đê này để thắp nén nhang linh thiêng cầu xin an lành, may mắn cho năm mới.

Không khí rộn ràng đón xuân và mua sắm tết của người dân địa phương tại phiên chợ trong sân chùa đã tạo nên một nét văn hóa vô cùng độc đáo và đặc sắc cho mảnh đất đặc trưng của vùng quê Băc Bộ này. Cũng nhờ vậy mà chợ Vân hay chợ Tam Quan - phiên chợ duy nhất trong năm của làng Vân được bảo tồn và phát huy như một phong tục đẹp cho đến ngày nay.

 Đỗ Quyên - Phòng VHTT

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,748
Tổng số trong ngày: 11,486
Tổng số trong tuần: 67,016
Tổng số trong tháng: 31,774
Tổng số trong năm: 1,212,240
Tổng số truy cập: 8,105,924