Chủ nhật, Ngày 19 Tháng 05 Năm 2024|

Trí thức học cách làm nông dân

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Trí thức học cách làm nông dân

Đi công tác xa quê đã 38 năm, ngay sau khi trở về, bà Đỗ Thị Tam Giang, xã Hồng Thái, Việt Yên đã bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế của gia đình. Sau một vài thất bại ban đầu, Bà Giang đã xây dựng thành công mô hình cam đường canh với thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Sống để cống hiến cho cách mạng

Tốt nghiệp phổ thông trung học, bà Đỗ Thị Tam Giang đã gác bút nghiên, xung phong vào bộ đội hoạt động tại chiến trường Tây Nguyên. Phục vụ trong quân đội được 4 năm, bà trở lại quê hương để ôn thi Đại học. Rồi bà thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Hà Nội, một trong những trường danh giá của đất nước. Nỗ lực học tập cũng chỉ vì một mong muốn để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Tốt nghiệp ra trường bà theo chồng về quê Hải Dương công tác, song thấy cảnh đất chật, người đông, điều kiện công tác không phù hợp, bà đã quyết định trở lại chiến trường xưa để xây dựng sự nghiệp và để có nhiều điều kiện phục vụ bà con đồng bào Tây Nguyên. Bà được phân công về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Với lòng nhiệt huyết của mình bà đã tận tình chăm sóc bệnh nhân với cả cái tâm và cái đức của người bác sỹ. Bà Giang đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và dự án quốc tế về y học.

Trong quá trình công tác, bằng uy tín của mình, bà vận động được nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ kinh phí khám chữa bệnh cho đồng bào Tây Nguyên.

Ngoài giờ làm việc tại cơ quan, bà lại tranh thủ đi tìm hiểu điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của vùng đất này để đầu tư xây dựng mô hình kinh tế. Bà thấy nơi đây phù hợp với cây cà phê nên đã nhận khoán gần 3 ha đầu tư trồng loại cây này. Cũng chính từ đó người trí thức ấy học cách làm nông dân.

Ước mơ làm giàu cho quê hương

Hơn 38 năm làm việc và cống hiến cho vùng đất Tây Nguyên, có một ngày bà đã chợt nhận ra rằng, quê hương ruột thịt đang ngày đêm mong ngóng.  Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bố mẹ già đã ngày đêm thôi thúc bà trở về.

Thế rồi những năm “ học làm nông dân” của bà ở Tây Nguyên đã làm động lực cho bà viết tiếp những hành trình đang còn dang dở. Một mặt lo hoàn tất thủ tục nghỉ hưu, một mặt bà nhờ người tìm đất và tìm những loại cây phù hợp với chất đất để trồng. Bà cho biết “Mình muốn xây dựng mô hình vườn cây ăn quả thu nhập cao để làm mẫu cho người dân nhìn vào thấy hiệu quả để học tập, làm theo”. Nói là làm Năm 2008 bà đã mua được 3 mẫu ruộng ở thôn Nghĩa Xuân xã Nghĩa Trung, sau đó bà đã quy hoạch trồng gấc và thanh long. Tuy nhiên, việc trồng các loại cây này đều bị thất bại. Đến năm 2015 nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia, của Phòng Nông nghiệp&PTNT, Trạm khuyến nông huyện, cùng sự tìm tòi học hỏi của bản thân, bà đã quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây cam đường canh và trồng xem kẽ cam Vinh, bưởi diễn, ổi....

 

Đến nay sau hai năm, vườn cam, ổi của bà đã cho ra trái chĩu cây, dự báo mùa thu hoạch năm nay trúng lớn. Theo bà năm đầu bói cho thu hoạch khoảng 15 tấn/ mẫu, với giá bán bán như hiện nay là 45.000/kg thì vườn cam cũng mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Theo bà Giang, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, hiện nay bà tiếp tục ươm cây, để sang xuân ấm áp trồng thêm 25 sào nữa. Để có được kết quả này bà đã phải tự mày mò nghiên cứu từ việc triết ghép cây, đến việc học cách trồng, chăm sóc. Bà cho biết trồng cây cam đường canh không khó mà khó nhất là chăm sóc và điều chỉnh cho cây ra hoa, ra quả đúng thời điểm.

Học tập cách làm của bà hiện nay trong thôn đã có 7 hộ làm theo với tổng diện tích khoảng 5 mẫu, những nhà ít cũng có 2 sào, nhà nhiều là 30 sào. Đây là những tín hiệu vui cho bà con địa phương. Một cách làm đã tháo gỡ được khó khăn cho bà con tại vùng quê nghèo. Chia sẻ về những dự định cho tương lai bà Giang cho biết “Tới đây sẽ mở rộng diện tích trồng cam, trồng bưởi lên diện tích đất đồi, núi để ai có ruộng thì học cách làm dưới ruộng, ai có đất đồi núi, thì học tập cách làm ở đồi núi. Bà tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho người dân. Phấn đấu mở rộng diện tích và xây dựng Hợp tác xã để cho người nông dân rễ tiếp cận với nguồn vốn của Nhà nước”.

Với những dự định ấy, hy vọng rằng bà sẽ tiếp tục thành công trên chính mảnh đất quê hương và giúp đỡ được nhiều người dân địa phương trên con đường làm giàu.

Một số hình ảnh về mô hình:

Bà Giang truyền đạt kinh nghiệm cho người dân địa phương

Vườn cam đang được ươm để trồng trong thời gian tới

Cây cam sai trĩu quả

Bà Giang phấn khởi với vụ thu hoạch lớn

Thu Lợi - Đỗ Hà

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 22,293
Tổng số trong ngày: 6,311
Tổng số trong tuần: 6,310
Tổng số trong tháng: 206,068
Tổng số trong năm: 1,386,534
Tổng số truy cập: 8,280,218