Thứ bảy, Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024|

THƯƠNG BINH TIÊU BIỂU LÀM KINH TẾ GIỎI - NGUYỄN VŨ THẮNG

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Phát huy bản chất “Bộ đội cụ Hồ” thời gian qua trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã có nhiều gương thương binh tiêu biểu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, vượt khó vươn lên làm kinh tế, trở thành tấm gương sáng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Thương binh Nguyễn Vũ Thắng người làng Mỏ Thổ xã Minh Đức (Việt Yên) là một điển hình  như vậy.

(Ảnh: Thương binh Nguyễn Vũ Thắng chăm sóc đàn lợn Nái của gia đình)

Tháng 2/1984, khi vừa tròn 19 tuổi, theo tiếng gọi của tổ quốc ông lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 51 Tân Cầu (nay thuộc xã Phúc Hòa huyện Tân Yên). Tháng 5/1984 kết thúc hơn 2 tháng huấn luyện Tân binh ông được điều động lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía bắc, được bổ sung vào đơn vị C1,D1 huyện Hạ Lang, Cao Bằng trực tiếp cầm súng chống lại lối hành xử bằng vũ lực kiểu “chủ nghĩa bá quyền nước lớn” tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Đây cũng là đơn vị ông gắn bó trong suốt 6 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương cho Tổ quốc. Mùa đông 1986, sau một trận cao điểm giữ chốt tại biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng, khi cùng anh em chiến sỹ tham gia tìm kiếm đồng đội hy sinh, ông đã bị thương do kẻ địch cài đặt quả mìn dưới thi thể đồng đội phát nổ, vĩnh viễn lấy đi của ông bàn chân trái và gây ra nhiều vết thương trên cơ thể. Không khuất phục nỗi đau, sau nửa năm điều trị tại bệnh viện 91 Quân khu I Thái Nguyên, 6/1987 ông trở lại đơn vị, tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới đất nước. Tháng 10/1990 ông được xuất ngũ với tấm Huân chương chiến công hạng 3, giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quân ngũ, là thương binh hạng 2/4 với tỷ lệ thương tật 75%.

Trở về đời thường, tại vùng quê nghèo sau 6 năm tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khi mà đất nước bị bao vây, cấm vận, đang bước vào những năm đầu đổi mới, chuyển từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc mất đi bàn chân trái cùng những vết thương cắt dài trên cơ thể khiến cho mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn với người Cựu chién binh (CCB). Đứng trước nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với ý chí kiên cường được tôi luyện trong những tháng năm quân ngũ, giữ vững bản chất của người lính "Bộ đội Cụ Hồ", thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, qua nhiều năm ông đã gây dựng được một trang trại chăn nuôi lợn, bò với quy mô lớn. Năm 2020, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện Việt Yên khiến nhiều hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạpcó chiều hướng lây lan ra diện rộng, ông đã cùng gia đình tiến hành thực hiện tốt công tác khử trùng, cách ly, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong thôn tái đàn hợp lý, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa giúp đẩy lùi dịch bệnh. Hiện tại, gia đình ông đang có 04 bò thịt, 07 lợn Nái (bình quân gần 3 tạ/1 con), 50 lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm lợn giống. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm bồ câu, gà, vịt thịt.... Thu nhập hiện tại của gia đình ông đạt trên 200 triệu/năm.

 Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với trách nhiệm là một hội viên Cựu chiến binh thôn Mỏ Thổ, bản thân ông cũng thường xuyên quan tâm chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên CCB với mong muốn giúp anh em CCB vươn lên làm giàu, vượt khó... Đây cũng là công việc giúp ông tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong cuộc sống, bỏ qua những đau đớn, mất mát chiến tranh đã gây ra, khẳng định tinh thần chiến đấu, ý chí vượt gian khổ trong thời bình của những người lính đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chia sẻ về quãng thời gian tham gia kháng chiến hào hùng và những vất vả khi trở về địa phương, ông tâm sự: "Lớn lên khi đất nước vẫn còn chiến tranh, lớp thanh niên chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc; những đau thương và mất mát do chiến tranh gây lên là rất lớn, nhưng cũng chính nhờ đó chúng tôi được rèn rũa, tôi luyện để trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn trong chiến đấu, trong lao động. Tôi luôn tâm niệm cuộc sống có rất nhiều khó khăn, phải luôn nỗ lực, phấn đấu làm kinh tế để giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng quê hương, xóm làng ngày càng phát triển để thế hệ con cháu sau này được sống trong vui vẻ hạnh phúc".

 Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ông Thắng luôn giáo dục con cháu phải trung thành với Đảng, biết ơn các thế hệ đi trước, sống yêu thương, chan hòa với mọi người xung quanh. Các con ông hiện đều đã trưởng thành và có gia đình yên ấm, hạnh phúc. Ghi nhận những thành tích trên, nhiều năm liền gia đình ông đã được nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Thương binh Nguyễn Vũ Thắng chính là tấm gương sáng có sức lan tỏa trong thời bình, xứng đáng với lời day của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”./.

Nguyễn Thị Nguyệt- Hội CCB huyện Việt Yên

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,098
Tổng số trong ngày: 5,743
Tổng số trong tuần: 84,309
Tổng số trong tháng: 49,067
Tổng số trong năm: 1,229,533
Tổng số truy cập: 8,123,217