Thứ bảy, Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024|

NGƯỜI THƯƠNG BINH- CỰU CHIẾN BINH GƯƠNG MẪU

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Giữa trưa hè tháng 6, bên cạnh chốt kiểm soát phòng chống dịch ở một làng quê nhỏ ven bờ Bắc sông Cầu thơ mộng, tôi gặp ông, một Cựu chiến binh dáng người nhỏ thó, gương mặt khắc khổ đang cùng đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đôn đốc anh em hội viên làm nhiệm vụ. Ông là Nguyễn Sỹ Mùi, sinh năm 1942, chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Giá Sơn, xã Ninh Sơn, (Việt Yên- Bắc Giang).

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Sỹ Mùi làm nhiệm vụ canh chốt

Nhìn bước đi nhanh thoăn thoắt, không ai nghĩ ông đã 79 tuổi rồi. Dưới bụi tre làng, ông bảo: “Làng tôi giáp ranh mấy thôn của xã Quang Châu, mà dịch ở Quang Châu thì anh biết đấy, ào một cái đã có cả nghìn người, công nhân bên Khu công nghiệp cũng trọ ở làng tôi nhiều lắm, hiện giờ cũng đã có mấy người F0 rồi, mấy gia đình có người phải đi cách ly, vất vả quá”.

Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Ninh Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Tăng đỡ lời: “Giá Sơn là thôn tuyến đầu của xã, có nhà trọ công nhân, có nhiều F0, lại sát ngay khu Tam Tầng- Quang Châu là nơi tâm dịch, vì vậy việc duy trì quản lý các chốt kiểm soát phòng chống dịch có vị trí rất quan trọng. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ của trên, đồng chí Mùi đã nhanh chóng triển khai huy động Tổ Cựu chiến binh xung kích phòng chống dịch do ông làm tổ trưởng với 14 thành viên đảm nhiệm cả 03 điểm chốt của thôn suốt ngày đêm. Bản thân đồng chí Mùi là thương binh trong Chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị 1972, tuổi cao, sức yếu nhưng rất nỗ lực, cố gắng, gương mẫu vận động được hơn 1/3 tổng số hội viên của Chi hội tham gia phòng chống dịch, vừa là Tổ trưởng Cựu chiến binh xung kích, vừa làm tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng, ông có lẽ là Cựu chiến binh cao tuổi nhất tham gia trực tiếp trên mặt trận chống dịch này đấy. Chi hội Cựu chiến binh thôn Giá Sơn nhiều năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ khi có dịch đến nay, hoạt động tham gia phòng chống dịch của Chi hội đạt hiệu quả rất cao, trên tất cả các lĩnh vực từ tuyên truyền vận động nhân dân, truy vết lấy mẫu, tham gia chốt chặn, tẩy trùng khử khuẩn, giúp nhân dân thu hoạch hoa nông sản, vận động ủng hộ…, lĩnh vực nào cũng hoàn thành tốt, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân khen ngợi”. Tôi hỏi: Bác đi làm thế này có gặp khó khăn gì không? Ông bảo: “Cái khó duy nhất và lớn nhất của tôi là mình tuổi đã cao, sức khỏe lại yếu nên không thể chạy được như hồi còn trẻ”. Ông cười và chia sẻ: “Tôi bị thương vào ngày cuối cùng của Chiến dịch Quảng Trị 1972, sau này phải về nghỉ chế độ bệnh binh, khi tham gia công tác Cựu chiến binh thì luôn được vợ tôi nhiệt tình ủng hộ, vì bà ấy cũng là một Cựu chiến binh mà. Còn sức, còn được cống hiến cho Đảng cho dân là vui rồi”.

Chia tay ông bên cái chốt kiểm soát phòng chống dịch giữa trưa hè cháy bỏng, tôi thấy lấp loáng trên ngực áo của người lính già tấm huy hiệu Cựu chiến binh, bỗng trong đầu vang lên lời Bác Hồ năm nao “thương binh tàn nhưng không phế”./.

Nguyễn Đức Việt

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,287
Tổng số trong ngày: 7,735
Tổng số trong tuần: 86,301
Tổng số trong tháng: 51,059
Tổng số trong năm: 1,231,525
Tổng số truy cập: 8,125,209