Thứ sáu, Ngày 17 Tháng 05 Năm 2024|

NGƯỜI LÍNH ĐẶC CÔNG THÂN ĐỨC BANG

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Tham gia chiến dịch giải phóng miềm Nam, thống nhất đất nước có nhiều người con của quê hương Bắc Giang, trong đó có những người lính đặc công dũng cảm, kiên cường. Dù mấy chục năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người lính đặc công, người thương binh Thân Đức Bang (thôn Đức Liễn, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)

CCB Thân Đức Bang

Những ngày tháng bảy này cả nước hướng về ngày thương binh liệt sĩ 27.7, ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại ùa về với người cựu chiến binh chiến trường miền Nam năm nào.

Năm 1963, chàng thanh niên 18 tuổi Thân Đức Bang xung phong vào bộ đội với mong muốn được cống hiến sức mình cho đất nước. Sau mấy tháng huấn luyện  lính dù ở Binh chủng 305, ông được cử đi học đặc công ở Sơn Tây. Năm 1968, ông được điều động vào chiến trường miền Nam thuộc binh chủng đặc công đóng quân ở Long An.

Những năm 1968- 1975, chiến trường miền Nam cực kì ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng điều đó không làm nhụt chí người lính đặc công Thân Đức Bang. 7 năm ở chiến trường miền Đông Nam Bộ điều kiện thiếu thốn, đối mặt trực tiếp với quân thù nhưng ông và đồng đội không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Một trong những kỉ niệm không thể phai mờ của người lính đặc công Thân Đức Bang với  mảnh đất Long An, nơi có đôi dòng sông Vàm Cỏ là tình đồng đội, tình cảm chở che, đùm bọc của bà con ngày ấy. Ông kể, năm 1974 địch mở một trận càn quyét lớn, chúng cày xới cả một vùng rộng lớn  nhằm tiêu diệt cho bằng được các chiến sĩ nằm vùng, ông cùng đồng đội được gia đình chị Bảy Hồng- một cơ sở hoạt động bí mật của quân ta che giấu trong hầm bí mật. Ngồi trong hầm tối, ông đã chuẩn bị sẵn lựu đạn để quyết tử với quân thù. Suốt một ngày một đêm lùng sục, dọa nạt, bắt bớ người dân, không phát hiện được quân ta, chúng mới rút quân về…

Sau khi đơn vị bị lộ, ông được rút về tỉnh đội Long An để chuẩn bị cho trận đánh quyết định- chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đầu tháng 4 toàn mặt trận Long An đồng loạt nổ súng khởi đầu cho những trận tiến công tiêu diệt hàng ngàn tên địch, đồn bốt làm quân thù khiếp vía. Điển hình như trận Hiệp Thạnh, trận Cầu Bến Lức, trận Mộc Hóa, …Những người lính đặc công đã một lòng xả thân, bám trụ, chiến đấu anh dũng góp sức tạo cho Long An thế đứng vững vàng trước cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn cho đến ngày toàn thắng 30 tháng 4 lịch sử.

CCB Thân Đức Bang (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội trong ngày gặp mặt truyền thống

Ông nhớ lại: Đêm 28/4 đơn vị đặc công của ông  được giao nhiệm vụ đánh chiếm, rồi giữ chắc quyền kiểm soát Cầu Bông để cho quân ta chi viện lực lượng chiến đấu. Khi chưa có lệnh nổ súng, quân ta phải phục kích. Chiến sĩ trinh sát đi cùng đã hi sinh, du kích ở Củ Chi dẫn đường, ta sẵn sàng đợi lệnh chiến đấu. Ngày 29/4, khói bom nghi ngút, bầu trời đen kịt, quân địch càng ra sức chống trả thì quân ta càng quyết tâm chiến đấu, người trước ngã xuống thì người sau tiến lên. Những cú đánh bất ngờ, chủ động đã khiến cho quân địch hoàn toàn thất bại. Cũng trong trận đánh đó ông bị thương ở đầu nhưng vượt qua đau đớn của thể xác, ông đã cùng đồng đội tiến quân thẳng về Sài Gòn. Nhìn lại những tháng ngày oanh liệt ấy, ông Bang cho biết: Chiến lược đúng đắn, thời cơ thuận lợi và quan trọng hơn hết là sự tin tưởng chắc thắng của quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa xuân năm ấy.

Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, ông Bang lại tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới tây Nam với vai trò chuyên gia chính trị. Dù ở cương vị nào thì đại úy Thân Đức Bang vẫn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng chung của toàn dân tộc. Với những đóng góp ấy, người thương binh Thân Đức Bang đã được Nhà nước thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì.

Năm 1985, cựu chiến binh Thân Đức Bang được về nghỉ hưu theo chế độ. Trở về quê hương, ông tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, nhiều năm liền là phó bí thư chi bộ xã Hồng Thái, chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hồng Thái. Năm 1998, vết thương cũ tái phát ông Bang mới thật sự được nghỉ hưu.

75 năm tuổi đời, 53 năm tuổi đảng nhưng thương binh Thân Đức Bang vẫn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Mỗi năm, ông cùng đồng đội cũ quyên góp giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ông bảo: “Những cựu chiến binh miền Nam chúng tôi năm xưa người còn, người mất. Người có mái ấm gia đình hạnh phúc, người bỏ lại tuổi thanh xuân, ước mơ hạnh phúc nơi chiến trường ác liệt nhưng tất cả vẫn mang trong mình tình đồng đội keo sơn, bền chặt. Mình được trở về là nhờ các đồng đội đã anh dũng ngã xuống. Bởi vậy, còn có chút sức khỏe, tôi còn cùng anh em giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn như tâm nguyện của những đồng đội đã hi sinh vì tổ quốc!”.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng ký ức của những người trong cuộc vẫn tươi xanh để rồi họ tiếp tục góp sức cho xóm làng, quê hương và đồng đội. Hôm nay, chúng ta vô cùng trân trọng, tri ân sâu sắc những thế hệ đi trước đã đánh đổi tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu để đổi lấy một đất nước độc lập, một dân tộc tự do, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Thị Việt Hằng

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 12,579
Tổng số trong ngày: 5,213
Tổng số trong tuần: 50,029
Tổng số trong tháng: 186,136
Tổng số trong năm: 1,366,602
Tổng số truy cập: 8,260,286