Thứ sáu, Ngày 03 Tháng 05 Năm 2024|

Người anh hùng đi qua hai cuộc kháng chiến

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Cách đây gần 6 thập kỷ, anh bộ đội Hoàng Văn Phác là cán bộ của Trung Đoàn công binh H29 đóng quân ở Thị Cầu (Bắc Ninh) là đơn vị kết nghĩa với du kích thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu (Việt Yên).

Cách đây gần 6 thập kỷ, anh bộ đội Hoàng Văn Phác là cán bộ của Trung Đoàn công binh H29 đóng quân ở Thị Cầu (Bắc Ninh) là đơn vị kết nghĩa với du kích thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu (Việt Yên).

 

 

 Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Phác và Vợ là Nguyễn Thị Thế

Vào dịp cuối tháng 2, tôi cùng anh cán bộ Văn hoá xã Tân Thanh (huyện Lạng Giang) đến thăm Chiến sỹ Điện Biên - anh hùng Hoàng Văn Phác. Anh cười bảo:“Ở nơi khác thì không nói, chứ ở Tân Thanh cứ ra ngõ là gặp anh hùng”. Quả thực hình ảnh của ông trở lên thân thuộc với mọi người, từ khi ông về hưu cách đây tròn 30 năm. Ngồi trong căn nhà khang trang, người anh hùng năm xưa nay tóc đã bạc, da đã mồi nhưng còn minh mẫn. Ông vẫn hiền từ, ít nói như buổi gặp cách đây gần 10 năm. Còn bà Nguyễn Thị Thế vẫn nhanh nhẹn và hay chuyện như ngày nào. Ông đang ở tuổi 87 còn bà đã bước vào tuổi 81.

Cách đây gần 6 thập kỷ, anh bộ đội Hoàng Văn Phác là cán bộ của Trung Đoàn công binh H29 đóng quân ở Thị Cầu (Bắc Ninh) là đơn vị kết nghĩa với du kích thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu (Việt Yên). Bà Thế lúc đó tuổi đôi mươi đang là đội viên đội du kích. Ông bà yêu nhau qua những lần phối hợp hoạt động của đơn vị với địa phương. Mãi 3 năm sau - khi giải phóng Điện Biên Phủ, ông được tuyên dương“anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, đến năm 1956 mới tổ chức đám cưới. Cuối năm 1972, máy bay Mỹ đánh sập cầu Đáp Cầu, đơn vị đã đưa bà và 3 cô con gái về quê Tân Thanh, để ông yên tâm làm chiến đấu. Ông bà có với nhau 6 mặt con gồm 4 gái, 2 trai nay đã có gia đình ở quanh xóm. Ông bà đã có 14 cháu nội ngoại, trong đó có 6 đứa đã học xong hoặc đang học Đại học và trở thành“tứ đại đồng đường” với 11 đứa chắt.

Trước khi đi bộ đội ông tham gia hoạt động thanh niên và làm liên lạc cho xã. Khi Pháp tổ chức nhiều đợt càn lên Tân Thanh và vùng lân cận, tôi có tham gia chống càn ở Núi Kem, cách đây vài cây số về phía Nam. Được chứng kiến sự tàn ác của giặc Pháp, tôi quyết tâm xin đi bộ đội. Hèm một nỗi ông bị mù chữ nhiều lần xin tòng quân nhưng đơn vị không nhận. Mãi đến tháng 1 năm 1950, ông mới toại nguyện và khi làm đến Đại đội phó rồi mà vẫn chưa thể ghi được hết tên của chiến sỹ, sau này mới đi học bổ túc hết cấp II. Nghe vậy bà Thế xen vào: Ông ấy không biết chữ! nhận lời yêu thì ông ấy đi chiến dịch Điện Biên, tôi cứ đêm ngóng ngày trông nhưng chẳng có lá thứ nào. Tôi biết tính ông ấy vừa hiền từ, nhưng lại rất kiên quyết và tin rằng ở con người ấy không bao giờ thất hẹn, nên quyết tâm chờ đến ngày chiến thắng.

Câu chuyện tình yêu của họ cách đây 60 năm có hậu đến hôm nay. Dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông có lên thăm chiến trường xưa nhưng đi bẳng máy bay. Ông chỉ cho chúng tôi xem mấy bức ảnh chụp ở Mường Phăng và cụm tượng đỉnh đồi D1 và chậm rãi kể về cuộc đời quân ngũ của mình. Khi nhập ngũ ông được biên chế vào đại đội 250, tiểu đoàn 3, Trung đoàn Công bình vượt sông H39 đầu tiên của Bộ Tư lệnh Công binh (nay là Lữ đoàn Công binh vượt sông H39). Lúc mới thành lập, khung được lấy từ Trung đoàn công binh H29. Đơn vị ông đóng tại Thường Tín (Hà Nội), chưa có các phương tiện hiện đại như bây giờ, chỉ có một số thuyền tạm. Sau huấn luyện, đơn vị ông đã tham gia các chiến dịch như: Chiến dịch Hoàng Hoa Thám tháng 3/1951 tại Phả Lại- Uông Bí, chiến dịch Quang Trung (còn gọi là chiến dịch Hà Nam Ninh) tháng 5 và 6/1951, Chiến dịch Hoà Bình cuối năm 1951, chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952. Đại đội 250 của ông luôn được tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ cho Bộ chỉ huy. Nhiều lần ông và đồng đội được gặp Bác Hồ và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Phác có sức khoẻ hơn, giỏi chịu đựng gian khổ, đồng đội rất mến phục. . Ông là chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên của huyện Lạng Giang được nhận phần thưởng cao quý này khi vừa bước vào tuổi 27.

Khi chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phác cùng đại đội 250 tham gia xây dựng hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chuyên gia nước bạn, sau đó lại bắc hai cầu phao vượt sông Mã cho quân ta tiến vào Sầm Nưa. Ở đây ông và đại đội được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Xuphanuvông đến thăm và khen ngợi thành tích của cán bộ, chiến sỹ công binh. Ngày 12/4/1953, khi phát hiện liên quân cách mạng Việt-Lào, địch hốt hoảng rút chạy khỏi Sầm Nưa. Ta tổ chức truy kích. Để phục vụ các đơn vị chủ công vận động diệt địch, đại đội 250 đã sửa chữa và làm lại 5 chiếc cầu, trong đó có chiếc cầu tạm gần thị xã Sầm Nưa.
 
Khi tiểu đội của ông đến thấy cầu rất yếu do một chân giá chớm mục, xe khó qua. Tiểu đội trưởng Lạc và tiểu đội phó Phai (đều quê Sơn Tây) hội ý quyết định lấp đất để xe đi. Nhưng ông Phác không đồng ý bởi khe suối sâu, lại chỉ có một tiểu đội làm bằng tay, thì không thể thực hiện nổi, nhiệm vụ truy kích địch lại rất cần kíp. Ông Phác lặng lẽ nhày xuống xem xét chân giá bị mục, sau đó vào đồn địch lấy thêm vật liệu gia cố chỗ xung yếu nhất để xe qua. Chiếc ôtô đầu tiên vào cầu nhưng mặt lát bị trượt. Cầu rung lên bần bật mọi người hết sức lo ngại. Đúng lúc đó ông Phác đã dũng cảm chui xuống gầm cầu lấy sức mình ghì chặt chân cột chống yếu nhất để xe đi. Mọi người thót tim theo dõi. Chiếc xe cứ nhích dần, nhích dần rồi vượt qua cây cầu trong tiếng thở phào của đồng đội. Tiếng reo hò cảm phục nổi lên đồng loạt, vì sự dũng cảm của ông. Đồng đội vội đi lấy cây chống, ùa xuống cùng ông gánh đỡ cho cây cầu. Kết quả đã có 36 chiếc xe ô tô chở gạo và quân dụng, vũ khí vượt qua an toàn, để truy kích địch. Bằng hành động quả cảm ấy, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được tặng Huân chương chiến công hạng Nhì. Ngày 27/10/1955 Phủ Chủ tịch đã ban hành Lệnh số 714, phong tặng ông danh hiệu“anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”
 
Qua các chiến dịch ông đã lập được nhiều chiến công và được bầu là chiến sỹ thi đua cấp Trung đoàn và Bộ Tư lệnh. Trung đoàn công binh H39 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Hồ Chỉ Tịch tặng cờ thêu 4 chữ vàng“Mở đường thắng lợi”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị H39 trở lại Hà Tây (Cũ) tiếp tục làm nhiệm vụ chuyên môn và chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Rồi những năm tháng gian khổ ác liệt ấy, ông đã cùng đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, có lần sang tham gia chiến dịch cánh đồng Chum của Lào.
 
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đồng đội tiến vào giải phóng Thành Phố Nha Trang (Khánh Hoà) và tháng 6/1975 cùng đơn vị ra Bắc. Bà Thế rất tự hào chồng mình được chỉ huy tham gia xây dựng Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh và và luôn phấn đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau đó xảy ra các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc. Tuy không ra trận nhưng đơn vị H39 đã chuyển chở các binh khí nặng vượt sông Hồng an toàn, góp phần làm nên những chiến công trong bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Khi đất nước tạm yên tiếng súng, năm 1983 anh hùng Hoàng Văn Phác được nghỉ hưu với quân hàm Trung tá sau 33 năm binh nghiệp và đi qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Về với đời thường, ông cùng gia đình chung sức gây dựng kinh tế, dựng vợ gả chồng cho các con. Thấm thoát đã 30 năm người anh hùng năm xưa đã trở về với đời thường, gắn bó với cuộc sống thôn quê, nếm trải không ít khó khăn vất vả và đã vượt qua. Bây giờ tuổi đã cao, trí nhớ cũng có phần suy giảm nhưng ông bà luôn động viên con các con thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, các cháu học hành chăm ngoan. Họ vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho đại gia đình.

Chiến thắng Điện Biên đã lùi xa 60 năm, mối tình của họ cũng dài theo năm tháng. Những ký ức của một thời máu lửa của 2 cuộc kháng chiến gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng luôn trở về trong tâm khảm ông bà. Cuộc sống gia đình của người anh hùng và nữ du kích thôn Nam Ngạn năm nào vẫn mặn nồng như thuở đầu tiên. Đó là điểm tựa tinh thần để ông bà chủ động vượt mọi gian khó mà không mảy may đòi hỏi sự đền đáp. Cuộc sống hôm nay của người Chiến sỹ Điện Biên - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Phác vẫn bình dị và hoà đồng như bao lão nông khác trong làng quê, càng tô thắm thêm phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” là tấm gương sáng cho lớp con cháu và tuổi trẻ học tập, noi theo.   

                                                                                    Thân Văn Phương

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,340
Tổng số trong ngày: 3,201
Tổng số trong tuần: 71,082
Tổng số trong tháng: 35,840
Tổng số trong năm: 1,216,306
Tổng số truy cập: 8,109,990