Thứ hai, Ngày 20 Tháng 05 Năm 2024|

Ký ức Điện Biên Phủ trong trái tim người lính

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Những ngày này, cả đất nước sục sôi khí thế chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024). May mắn được gặp gỡ Anh hùng lực lượng vũ trang Chu Văn Mùi trong những ngày đầu tháng 5, mặc dù đang ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng kỷ niệm về những ngày tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa vẫn không phai nhạt trong trái tim người lính già như ông, với nhiều cung bậc cảm xúc sống động, hào hùng của một thời hoa lửa.

AHLLVT Chu Văn Mùi sinh năm 1926 tại thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan. Tham gia du kích từ khi còn trẻ, đến năm 1949, ông nhập ngũ, thuộc biên chế Đại đội thông tin 127, Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 12. Trước khi tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông từng chiến đấu tại nhiều chiến dịch như Cao - Bắc - Lạng, Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào..., đồng thời từng trải qua nhiều vị trí công tác như chiến sĩ nuôi quân, chiến sĩ xung kích, pháo thủ. Năm 1952, ông tham gia lớp vô tuyến đầu tiên của Cục Thông tin Liên lạc mở và trở về làm đài trưởng đài vô tuyến của đơn vị. Từ đây, ông đảm nhiệm vai trò của một người chiến sĩ thông tin ở đơn vị trong các trận đánh lớn. 

Phóng viên có cuộc trò chuyện cùng anh hùng LLVT Chu Văn Mùi tại nhà riêng của ông tại thôn Hà Thượng xã Thượng Lan

Chiều muộn ngày 30-3-1954, quân ta tổ chức mở đợt tấn công giai đoạn 2 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp. Cùng với việc tiêu diệt sân bay Mường Thanh, dãy cao điểm phía Đông cũng là mục tiêu chính của đợt tấn công này. Nếu như tại các cao điểm khác, bộ đội ta nhanh chóng “mở cửa” và tiêu diệt lực lượng địch chỉ sau vài giờ chiến đấu thì tại cứ điểm đồi A1 lại xuất phát chậm hơn và vấp phải hỏa lực rất mạnh của địch. 

Trong trận đánh đồi A1, đơn vị của đồng chí Chu Văn Mùi được lệnh tiếp nhận chiến đấu trên cao điểm A1 từ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 trong đêm ngày 31/3/1954. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Địch liên tiếp tăng viện nhiều xe tăng, lính dù, lính lê dương nhằm tiến hành nhiều cuộc phản công hòng chiếm lại các vị trí mà ta chiếm được trước đó.

Tối 31/3/1954, đơn vị chủ công của ta đánh trên đồi A1 bị thương vong; điện thoại, vô tuyến từ Đại đội trưởng đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn bị mất liên lạc. Chỉ huy Tiểu đoàn 38 giao đồng chí Chu Văn Mùi - khi đó là Tiểu đội trưởng, phụ trách 5 máy thông tin của đơn vị - cùng với tổ đội của mình phải nối lại đường dây liên lạc tại đồi A1. Sự có mặt của điện thanh lúc này là vô cùng quan trọng, bởi không có liên lạc thì không thể tổ chức trận đánh và đánh thắng được. Thông tin liên lạc thông suốt sẽ hướng dẫn các đơn vị pháo của ta hiệu chỉnh được mục tiêu, tiêu diệt địch, hỗ trợ quan trọng cho bộ binh. 

Bằng nghiệp vụ tinh anh, đồng chí Chu Văn Mùi sử dụng cách nói ám hiệu để pháo ta nhả đạn vào mục tiêu. Trong điều kiện chiến đấu khó khăn, vừa làm công tác thông tin liên lạc, vừa chiến đấu như một chiến sĩ cảm tử để bảo vệ trận địa, đồng chí Chu Văn Mùi đã nối thông đường liên lạc chỉ toạ độ cho các đơn vị pháo của ta bắn tan đội hình quân Pháp, ngăn chặn được nhiều đợt phản kích của địch. 

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, ông xúc động: Năm nay đã tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi rất xúc động và tự hào, nhớ lại lời các thủ trưởng năm ấy nói với tôi trên đồi A1 “hoan hô Chu Văn Mùi, hoan hô Chu Văn Mùi, tặng thưởng huân chương chiến công hạng Nhất, báo cho sư đoàn biết”. Những ký ức đó với tôi không bao giờ tôi quên.

Ngày 31/8/1955, đồng chí Chu Văn Mùi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thời điểm đó, đồng chí Mùi đang là Trung đội trưởng Thông tin vô tuyến điện thuộc Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Khi về hưu ông được phong quân hàm Đại tá. Năm 2020, ông là Đại biểu cao tuổi nhất dự Đại hội thi đua yêu nước khi đó 91 tuổi vinh dự được tiếp kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

70 năm đã trôi qua, trong trái tim họ - những người lính Điện Biên năm ấy vẫn đầy ắp những ký ức không thể nào quên về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc, họ đã cùng đồng đội làm “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

                                                           Tuyết Mai – Trung tâm VHTTTT

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 20,286
Tổng số trong ngày: 1,691
Tổng số trong tuần: 8,494
Tổng số trong tháng: 208,252
Tổng số trong năm: 1,388,718
Tổng số truy cập: 8,282,402