Thứ sáu, Ngày 17 Tháng 05 Năm 2024|

Gặp người lính lái xe xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước Nguyễn Anh Ngần

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

“Bác cũng giống như bao người khác thôi, khi đất nước có chiến tranh thì mình lên đường nhập ngũ, tiếng gọi của tổ quốc khi ấy thiêng liêng lắm cháu ạ”, CCB Nguyễn Anh Ngần- người được mệnh danh “Con chim đại bàng chọc thủng Trường Sơn”, ở thôn Tăng Quang, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang tâm sự.

Chúng tôi đến gặp cựu chiến binh Nguyễn Anh Ngần vào một buổi sáng đẹp trời cuối tháng 4. Ấn tượng đầu tiên để lại trong chúng tôi là có một người đàn ông có dáng người rắn rỏi, khuôn mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm. Ông bảo: “Bác cũng giống như bao người khác thôi, khi đất nước có chiến tranh thì mình lên đường nhập ngũ, tiếng gọi của tổ quốc khi ấy thiêng liêng lắm cháu ạ”. Nói đến đấy giọng bác trầm xuống, bao kí ức về một thời bom đạn ác liệt, đầy mất mát đau thương nhưng rất đỗi tự hào lại ùa về trong bác. Bác kể, bác xung phong vào bộ đội ngày 31 tháng 5 năm 1965, khi mới 19 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người mong muốn được cống hiến sức mình cho đất nước. Sau mấy tháng huấn luyện ở Hà Nội, ông được lệnh hành quân vào Nam đóng quân ở Lệ Thủy, Quảng Bình, thuộc tiểu đoàn 734, binh trạm 12.

Những năm 1968-1975 chiến trường Trường Sơn ác liệt, tọa độ liên tục, máy bay địch gầm rú ném bom dải thảm, khi ấy sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng những điều đó không thể làm nhụt trí những người lính lái xe kiên cường, quả cảm. Họ vẫn băng băng đi lên phía trước, bất chấp hiểm nguy. Bởi trong trái tim của những người lính lái xe ấy có ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc soi đường: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước. Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Nhiều đồng đội đã ngã xuống, “Có lần, đoàn xe đang chi viện cho tiền tuyến thì bị máy bay địch tập kích, đồng đội hi sinh nhiều lắm! Những người còn sống lau vội nước mắt chôn cất đồng đội của mình nơi bìa rừng… hẹn một ngày đất nước hòa bình sẽ tìm lại. Các anh ngã xuống, tiếp động lực cho anh em lớp sau tiếp tục xông lên chiến đấu. Vượt qua mọi khó khăn để giành độc lập, để xứng đáng với sự hi sinh của đồng đội”, giọng bác Ngần chùng xuống.

Những năm tháng ở chiến trường Trường Sơn có biết bao kí ức hào hùng nhưng có lẽ một trong những kí ức không thể nào quên của cựu chiến binh Trường Sơn Nguyễn Anh Ngần là chở Quân Đoàn 10 giải phóng Buôn Mê Thuột. Sáng ngày 11/3/1975, các đơn vị binh chủng hợp thành của ta từ ba hướng mở trận công kích vào sở chỉ huy Sư đoàn 23 của ngụy. Trong cơn tuyệt vọng, bọn địch cố dồn sức chống đỡ. Máy bay địch ném bom xuống đường phố. Xe tăng M48, M41 của địch liều mạng xông ra bịt các ngả đường. Đến 11 giờ cùng ngày, sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy bị tiêu diệt. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng được kéo lên trên cột cờ cao của Sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Trận then chốt mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi sau 32 giờ tiến công mãnh liệt. Bộ Tư lệnh Chiến dịch cũng lệnh cho Sư đoàn 10 nhanh chóng cơ động về đông bắc thị xã, sẵn sàng làm dự bị và chuẩn bị đánh địch phản kích lớn.

Ông Ngần cùng đồng đội trong ngày họp mặt thường niên (thứ 2 từ phải qua, hàng đầu tiên)

Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, tiểu đoàn vận tải lại tiếp tục tiến quân vào Nam. Ngày 30/4/1975 cùng với hàng ngàn  người con ưu tú của dân tộc, ông Ngần có mặt ở Dinh Độc Lập, “Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, xúc động, hạnh phúc không cầm được nước mắt cháu ạ!”

Ông Ngần kể lại, đời sống trong chiến trường gian khổ, thiếu thốn, vất vả lắm. Mùa mưa thì mưa tầm tã, xe bị bom đạn làm cho hư hại, không kính, không đèn, thùng xe bị bóp méo lại phải từng ngày từng giờ đối mặt với cái chết nhưng các anh em trong đơn vị chưa bao giờ lùi bước. 10 năm ở chiến trường Trường Sơn điều kiện thiếu thốn gian khổ là thế nhưng ông và các đồng đội không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, phải chuyển được quân trang, lương thực… phục vụ chiến đấu. Ông bảo, cuộc sống nơi chiến trường rất vui, bom đạn như thế nhưng ở khoảng lặng của cuộc chiến, các chiến sĩ vẫn sinh hoạt thường xuyên, có hôm thì sinh hoạt văn nghệ, cả đơn vị cùng hát những bài hành khúc không chỉ để bớt căng thẳng mà còn để củng cố thêm tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho các chiến sĩ. Có hôm thì cả tiểu đội ngồi kể cho nhau nghe về gia đình, về ước mơ khi đất nước thống nhất dưới ngọn đèn ống bơ bị chụp lại để địch không phát hiện được. “10 năm ở chiến trường thôi nhưng bác có nhiều kỉ niệm lắm, bác cảm tưởng sống ý nghĩa bằng bao nhiêu năm ra đời thường này. Anh em thương nhau, tình đồng đội khi ấy thiêng liêng lắm”. Cũng trong những năm tháng gian khổ ở chiến trường ông đã gặp được người bạn đời tri kỉ của mình là bà Nguyễn Thị Hòa, y sĩ của bệnh xá Binh trạm 16, 17 (Quảng Bình, Quảng Trị). Cuộc gặp gỡ tình cờ của hai người đồng hương tại Phà Long Đại (Quảng Bình) đã tạo nên một chuyện tình đẹp trong chiến trường. Ông Ngần tươi cười kể: “Giữa năm 1971, ông đi họp quân chính ở Binh trạm 12, bà đi phát thuốc cho thương binh. Nghe đồng chí binh trạm trưởng giới thiệu là có một cô y sĩ đồng hương Hà Bắc đang công tác tại binh trạm, ông tìm đến gặp. Tình đồng đội, đồng chí rồi chuyển thành tình yêu một cách rất tự nhiên như tình yêu của lính”. Chiến trường ác liệt, ông lại là lính lái xe nên có khi 5,6 tháng hai người mới được gặp nhau một lần, tình yêu của lính được gửi qua những cánh thư giữa rừng Trường Sơn trong những đêm không ngủ. Sau hai năm yêu nhau, ngày 20/5/1973 ông bà tổ chức đám cưới. Đám cưới của lính có gì đâu vậy mà vui, mà nhớ, mà hạnh phúc. Sau đó, hai ông bà lại trở về đơn vị, lại tiếp tục chiến đấu, người này là điểm tựa tinh thần của người kia vượt qua bom đạn.

Vợ chồng CCB Nguyễn Anh Ngần- Nguyễn Thị Hòa

Năm 1979, ông lại tiếp tục tham gia chiến tranh Biên giới, đóng quân ở Vị Xuyên, Hà Giang, “ Khi đất nước cần mình, mình phải lên đường cháu ạ. Đó không chỉ là sứ mệnh, trách nhiệm mà còn là tinh thần sẵn có trong mỗi người lính”. Những năm tháng khói lửa ác liệt đã tôi luyện chàng lính trẻ Nguyễn Anh Ngần trở thành một thiếu tá quân đội nhân Việt Nam anh dũng, kiên cường. Với những chiến công ấy, ông Ngần đã được Đảng và Quân đội ghi nhận bằng những tấm huân huy chương: Tại Đại Hội “Lái xe giỏi toàn quân” tháng 02/1968 ông được tặng Huy hiệu Bác Hồ, sau đó là Huân chương chiến công hạng 2, Chiến sĩ quyết thắng và được mệnh danh là “Con chim đại bàng chọc thủng Trường Sơn”…

Ông Ngần tâm sự cho đến ngày hôm nay ông thấy mình hạnh phúc nhất là được sống, được cống hiến sức lực của mình cho quê hương đất nước. Ông may mắn khi có một gia đình mà vợ là đồng đội, đồng chí cùng vào sinh ra tử trong chiến trường, có các con, các cháu ngoan ngoãn và thành đat. Nói đến đây giọng ông nghẹn lại, đôi mắt ngân ngấn “Nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại ở chiến trường chưa được về quê mẹ, trăn trở, day dứt lắm cháu ạ!”

Vợ chồng ông Ngần cùng các con cháu

Năm 1989, cựu chiến binh Nguyễn Anh Ngần được về nghỉ hưu theo chế độ. Trở về quê hương, ông tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, nhiều năm liền là bí thư chi bộ thôn Tăng Quang, chủ nhiệm hội khuyến học của thôn. Với những đóng góp tích cực ấy, ông Ngần được Ban chấp hành Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”.

Mỗi năm, ông cùng đồng đội cũ quyên góp giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ông bảo: “Những cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa người còn, người mất. Người có mái ấm gia đình hạnh phúc, người bỏ lại tuổi thanh xuân, ước mơ hạnh phúc lại núi rừng Trường Sơn nhưng tất cả vẫn mang trong mình tình đồng đội keo sơn, bền chặt. Mình được trở về là nhờ các đồng đội đã anh dũng ngã xuống. Bởi vậy, còn có chút sức khỏe, tôi còn cùng anh em giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn như tâm nguyện của những đồng đội đã hi sinh vì tổ quốc!”.

Khi được hỏi “Ông có muốn gửi gắm điều gì đến thế hệ trẻ hôm nay?”. Ông nhìn vào những tấm hình của đồng đội, nhìn sâu vào mắt người bạn tri kỉ của mình đang ngồi bên cạnh rồi trả lời tôi: “Hãy sống có ích, có lí tưởng, có ước mơ để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh. Hãy biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có, bởi cái giá của hòa bình được đổi bằng xương máu của bao người ngã xuống…”.

Nguyễn Thị Việt Hằng

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,437
Tổng số trong ngày: 3,131
Tổng số trong tuần: 47,947
Tổng số trong tháng: 184,054
Tổng số trong năm: 1,364,520
Tổng số truy cập: 8,258,204