Thứ hai, Ngày 20 Tháng 05 Năm 2024|

Gặp cựu chiến bình Trường Sơn Giáp Thị Việt

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

“Cô cũng giống như bao người khác thôi, khi đất nước có chiến tranh thì mình lên đường nhập ngũ, tiếng gọi của tổ quốc khi ấy thiêng liêng lắm cháu ạ”, CCB Giáp Thị Việt, ở trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang- người từng một thời vào sinh ra tử trên tuyến đường Trường Sơn thời kì chống Mỹ cứu nước tâm tư.

Chúng tôi đến gặp cựu chiến binh Giáp Thị Việt vào một buổi sáng đẹp trời đầu tháng 10, ấn tượng đầu tiên để lại trong chúng tôi là có một người phụ nữ có giọng nói ấm áp, khuôn mặt hiền hậu và đặc biệt là nụ cười thật tươi. Sau lời giới thiệu của anh cán bộ trong Ban chỉ huy quân sự huyện Việt Yên, cô từ tốn nói : “Cô cũng giống như bao người khác thôi, khi đất nước có chiến tranh thì mình lên đường nhập ngũ, tiếng gọi của tổ quốc khi ấy thiêng liêng lắm cháu ạ”. Nói đến đấy giọng cô trầm xuống, bao kí ức về một thời bom đạn ác liệt, đầy mất mát đau thương nhưng rất đỗi tự hào lại ùa về trong cô. Cô kể, cô xung phong vào bộ đội vào tháng 5 năm 1971 khi mới 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái. Sau 5 tháng huấn luyện ở Quảng Ninh cô được chuyển về C2, tiểu đoàn 668, trung đoàn 592- đơn vị làm nên kì tích lịch sử xây dựng tuyến đường ống xăng dầu huyền thoại xuyên Đông Dương trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng vào bộ đội với cô năm ấy ở Hà Bắc có hơn 30 chị em, mỗi người một hoàn cảnh riêng nhưng đều cùng chung lí tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bốn năm ở chiến trường đông Lào có biết bao kí ức hào hùng nhưng có lẽ một trong những kí ức không thể nào quên của cựu chiến binh trường sơn Giáp Thị Việt là vào 27 tết năm 1972 trung đoàn 592 của cô trong lúc làm nhiệm vụ đã bị địch phát hiện, rải bom. “Cứ bình quân, bom B57 rải thảm hai lần một ngày, 9 giờ sáng và 2 giờ chiều. Lần ấy, hơn 30 đồng chí ngã xuống…”, giọng cô Việt chùng xuống. “Các anh ngã xuống, tiếp động lực cho anh em lớp sau tiếp tục xông lên chiến đấu. Vượt qua mọi khó khăn để giành độc lập, để xứng đáng với sự hi sinh của đồng đội”, cô Việt nói. Ngày 30 tháng 1 năm 1973 tiểu đội cô và một tiểu đội nam đi vận chuyển ống ở sông Sê băng hiên, tập kết ống ở suối Ta Loai, để kịp cho kế hoạch đã định, các cô quyết định chuyển ống bằng đường suối, việc đầu tiên là buột tất cả các đầu ống thành từng bè để cho các đồng chí nam lái bè dưới sông. Làm như vậy để tránh sự phát hiện của giặc đồng thời đỡ tốn sức vì có những chỗ phải vác ống lên cao đến hàng trăm mét mà sức phụ nữ không thể làm nổi. “Trong lúc vận chuyển thì bị máy bay VO10 của địch phát hiện. Đội của cô gồm có ba người: cô, chị Huy và anh Luyện, khi máy bay do thámVO10 của địch phát hiện, nó bắn pháo mù gọi S4H đến thả bom, hầm của 3 anh em chỉ cách chỗ thả bom có 3 mét nên bị sập, đất đá vùi lấp nhưng may mắn là không ai bị thương nặng. Anh Luyện lấy hết sức đẩy nắp hầm cho mọi người chạy ra, khi ấy sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc”. Cô Việt kể lại, đời sống trong chiến trường gian khổ, thiếu thốn, vất vả lắm. Mùa mưa thì mưa tầm tã, mùa khô thì đi 3- 4 km mới có nước tắm vả lại phải từng ngày từng giờ đối mặt với cái chết nhưng các anh em trong đơn vị chưa bao giờ lùi bước. Bốn năm vào chiến trường chỉ có vài bộ quân phục mà ngày nào cũng vác hàng trăm ống trên vai nên áo nào cũng rách nhưng cứ rách là lại vá, có khi các anh trong đơn vị thương tình mang muối, gạo vào bản để đổi vải cho các cô may áo. Điều kiện thiếu thốn gian khổ là thế nhưng cô và các đồng đội không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, phải chuyển được ống cho trạm lắp giáp để các đoàn xe có xăng phục vụ chiến đấu.

Cô bảo, các cô vào chiến trường còn là nguồn động viên của các đồng chí nam nhiều lắm, các đồng chí nam vẫn bảo nếu không có các đồng chí nữ vào thì các anh ấy có lẽ thành thổ phỉ vì chẳng bao giờ chăm lo đến đời sống riêng tư của mình cả, chỉ có làm, làm và chiến đấu. Các cô vào đã tiếp thêm sức mạnh cho các anh rất nhiều. Cuộc sống nơi chiến trường rất vui, ban ngày bom đạn như thế nhưng tối về vẫn sinh hoạt thường xuyên, có hôm thì sinh hoạt văn nghệ, cả đơn vị cùng hát những bài hành khúc không chỉ để bớt căng thẳng mà còn để củng cố thêm tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho các chiến sĩ. Có hôm thì cả tiểu đội ngồi vá áo cho nhau dưới ngọn đèn ống bơ bị chụp lại để địch không phát hiện được. “Chỉ chưa đầy 4 năm ở bộ đội thôi nhưng cô có nhiều kỉ niệm lắm, cô cảm tưởng sống ý nghĩa bằng bao nhiêu năm ra đời thường này. Chị em thương nhau lắm, tình đồng đội khi ấy thiêng liêng lắm cháu ạ”.

Cuối năm 1973 cựu chiến binh Giáp Thị Việt chuyển về chiến trường Quảng Trị và đến cuối năm 1974 do sức khỏe yếu cô được chuyển ra bắc và được cử đi học tại trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Bắc. Sau khi học xong, năm 1977 cô về công tác tại công ty Thương nghiệp huyện Việt Yên với cương vị là kế toán trưởng.  Khi được hỏi thành công lớn nhất trong cuộc đời của cô cho đến lúc này là gì? Cô nhìn chồng và cười thật tươi bảo rằng : “Thành công lớn nhất trong cuộc đời của cô là được làm vợ chú và các con thành đạt”. Cô kể, sau khi ở chiến trường về cô tưởng mình không lấy được chồng vì khi ấy trông cô xanh xao như tàu lá chuối, tóc rụng hết, mắt trắng, môi thâm… thế mà chú vẫn chờ đợi cô. Cô chú vốn là bạn thiếu thời, chú hơn cô 4 tuổi, chú vào bộ đội trước. Ngày chú đi vào chiến trường cô chú đã có hẹn ước với nhau khi nào hòa bình sẽ trở thành vợ chồng. Sau ngày đất nước thống nhất, cô chú về sống với nhau, cuộc sống tuy có vất vả, thiếu thốn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Hai người con trai của cô đều thành đạt, gia đình hạnh phúc.

Sau khi nghỉ hưu, cô chú mở một cửa hàng bán tạp hóa ngay tại nhà. Cô bảo, mình còn sức thì còn lao động cháu ạ. Hiện nay cô còn giúp đỡ các em học sinh đi học xa nhà bằng những hành động thiết thực như cho các em nghỉ và ăn cơm trưa tại nhà. Tham gia tích cực vào hội khuyến học của dòng họ. Mỗi năm, cô cùng đồng đội cũ quyên góp giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cô bảo rằng: “Những cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa người còn, người mất. Người có mái ấm gia đình hạnh phúc, người bỏ lại tuổi thanh xuân, ước mơ hạnh phúc lại núi rừng Trường Sơn nhưng tất cả vẫn mang trong mình tình đồng đội keo sơn, bền chặt. Mình được trở về là nhờ các đồng đội đã anh dũng ngã xuống. Bởi vậy, còn có chút sức khỏe, cô còn cùng anh em giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn như tâm nguyện của những đồng đội đã hi sinh vì tổ quốc!”.

Cô Giáp Thị Việt ( Thứ 2 từ phải qua) chụp ảnh cùng các bạn trước khi lên đường nhập ngũ

Vợ chồng cô Việt bên cửa hàng tạp hóa của gia đình

Cuộc gặp mặt của các cựu chiến binh Trường sơn huyện Việt Yên

Nguyễn Thị Việt Hằng

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 21,670
Tổng số trong ngày: 1,060
Tổng số trong tuần: 7,863
Tổng số trong tháng: 207,621
Tổng số trong năm: 1,388,087
Tổng số truy cập: 8,281,771