Thứ năm, Ngày 09 Tháng 05 Năm 2024|

Chùa Bổ Đà, điểm di tích nằm trong Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Ngày 26/01/2024, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã ký Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới (gọi tắt là Hồ sơ Yên Tử), trong đó Bắc Giang tham gia hồ sơ Yên Tử có 02 di tích là: Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng và chùa Bổ Đà, thị xã Việt Yên. Theo Hồ sơ đề cử, Chùa Bổ Đà: Huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên), Khu di tích Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang), chùa Bổ Đà nằm trên nằm trên Núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, (tại Tọa độ điểm trung tâm 21o14’33.11”B, 106o03’09.48’Đ, 20-50m asl. Diện tích di sản đề cử  27.5ha. Diện tích vùng đệm: 99.65 ha. Các bản đồ và phụ lục liên quan: A7, B3, D15).

- Lịch sử hình thành. Có từ thời Lý, thời Trần chùa là trung tâm tôn giáo lớn thứ hai sau chùa Vĩnh Nghiêm trên Dãy núi Yên Tử nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Dấu vết vật chất và thư tịch cổ còn lại cho biết chùa phát triển mạnh vào thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn (thế kỷ XVIII-XIX). Đầu thế kỷ XVIII, niên hiệu Bảo Thái (1720-1729), trụ trì chùa là Phạm Kim Hưng đã trùng tu và phát triển nơi đây thành một trung tâm Phật giáo lớn theo Thiền phái Lâm Tế đã Việt Nam hóa (Là thiền phái có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã được truyền bá vào Việt Nam từ thời Trần và có ảnh hưởng đến một số vị thiền sư, cư sỹ thời kỳ này như vua Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Quốc sư Đại Đăng, Phật Hoàng Trần Nhân Tông... Đến thế kỷ 17, thiền phái Lâm Tế được truyền bá vào Việt Nam lần thứ hai bởi Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết và môn đệ là Minh Hành Tại Tại, giao thoa và chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm và tín ngưỡng bản địa để Việt Nam hóa. Thiền phái này còn có Thiền sư Tuệ Đăng Chân Nguyên là người đã có công lớn trong việc phục hưng Phật giáo Trúc Lâm), thờ Tam giáo đồng nguyên, phối thờ Thạch Linh Thần Tướng và Trúc Lâm Tam Tổ, là kiểu thờ phụng duy nhất thấy ở chùa này.

- Đặc điểm kiến trúc, khảo cổ học. Chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo, khác biệt các chùa truyền thống khác, với 5 di tích chính là chùa Tứ Ân (cũng gọi là chùa Bổ Đà), am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp và ao Miếu.

Am Tam Đức được xây ở lưng chừng núi, phía sau chùa Tứ Ân, thờ Sư tổ Phạm Kim Hưng. Chùa Cao ở phía sau am Tam Đức, thờ Quán thế Âm Bồ Tát, được cho là công trình kiến trúc cổ nhất của cả khu di tích. Vườn Tháp - lớn nhất và có tính kế thừa lâu nhất ở Việt Nam, hiện còn 110 ngôi mộ tháp xây cất sớm nhất từ thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Mỗi ngôi mộ tháp lại chứa xá lỵ, tro cốt của hàng chục tăng, ni, tổng cộng đến 1.214 vị của Thiền phái Lâm Tế từ khắp nơi trên cả nước. Ao Miếu (đền Hạ) thờ Thạch Linh Thần Tướng cùng cha mẹ Ngài.

Một góc Vườn Tháp – chùa Bổ Đà

Chùa Tứ Ân gồm 16 đơn nguyên với 92 gian liên hoàn, với các thành phần kiến trúc chính như chùa Phật (Tam bảo), nhà Tổ thờ Trúc Lâm, nhà giảng kinh, nhà tăng, nhà ni..., xây cất theo kiểu kiến trúc “nội thông ngoại bế”, phía ngoài được bao bọc bởi các rặng tre rậm rạp cùng hệ thống tường trình vững chắc như một chiến lũy. Các tòa nhà này đều kế thừa kiến trúc thời Lê Trung Hưng tương tự như ở chùa Côn Sơn và chùa Vĩnh Nghiêm nhưng mang đậm các đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Đất trình tường là đất phong hóa mầu hồng đỏ có sẵn ở núi Bổ Đà. Đường vào chùa được lát những khối đá cát sạn kết cũng khai thác tại chỗ.

Du khách thập phương thắp hương lễ phật tại trước cửa Chùa Tứ Ân

Đường vào chùa lát đá cát sạn kết

- Giá trị di sản phi vật thể. Chùa còn lưu giữ 1.935 tấm mộc bản khắc chữ Hán-Nôm với gần 4.000 mặt khắc chủ yếu là kinh Phật, niên đại sớm nhất vào đời Lê (1775), hơn 40 tượng thờ bằng gỗ niên đại thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn (thế kỷ 17-20).

Mộc bản chùa Bổ Đà

 

Lễ hội hàng năm ở chùa Bổ Đà được tổ chức vào mùa xuân có quy mô lớn bậc nhất ở khu vực, kết hợp giữa các nghi lễ cúng Phật với thờ cúng thần linh cùng nhiều trò vui (đấu vật, chọi gà…).

Khai mạc Lễ Hội Bổ Đà và Liên hoan hát quan họ thị xã Việt Yên lần thứ XXIII, năm 2024

 

- Đặc điểm địa chất, cảnh quan. Từ góc độ phong thủy, địa chất-địa mạo, chùa Bổ Đà được cho là nằm trên ức của một con chim phượng với các dải núi thấp Phượng Hoàng, Yên Ngựa, Kim Quy, Con Cóc, Con Voi cùng thuộc dãy Bổ Đà từ bốn phía chầu về. Nền đá gốc là cát kết, bột kết, sét kết chắc khỏe của phân hệ tầng Văn Lãng trên (T3n-rvl2); địa hình bóc mòn, rửa trôi rất thoải giúp ổn định nền móng, tránh được trượt lở, sạt lở, lũ bùn đá, lũ quét, ngập úng.

 

Nguyễn Thị Kim Cúc – Phòng Văn hóa và Thông tin

(Biên tập từ Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới)

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,931
Tổng số trong ngày: 1,142
Tổng số trong tuần: 46,424
Tổng số trong tháng: 99,212
Tổng số trong năm: 1,279,678
Tổng số truy cập: 8,173,362