Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024|

Chùa Bổ Đà - di tích lịch sử -văn hóa tiêu biểu, một trong những trung tâm Phật giáo lớn của phái Trúc Lâm Tam Tổ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, (nay là xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Nơi đây, đứng trên đỉnh núi có thể quan sát toàn bộ Phòng tuyến sông Như Nguyệt ghi dấu ấn lịch sử bao đời nay của dân tộc. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại đúng như lời thơ của người xưa:

“Bốn bề phong cảnh lạ thay

Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”.

Chùa được xây dựng từ thế kỷ XI và được trùng tu, mở mang vào năm 1720 dưới thời Lê Trung Hưng và các giai đoạn sau này. Chùa có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 và khu vườn tháp rộng 7.784m2. Trải qua những biến thiên của lịch sử, nhưng chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn những nét kiến trúc truyền thống Việt Cổ cũng như nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật. Chùa thờ tam giáo (Tam giáo đồng nguyên): Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Phối thờ Thạch linh thần tướng và Trúc lâm tam tổ. Chính vì vậy, hệ thống tượng Phật ở chùa Bổ Đà được bài trí theo dòng phái Lâm Tế có sự kết hợp tín ngưỡng dân gian bản địa và Đạo giáo.

Cổng chùa

Phương ngôn xưa có câu: “Nam Hương Tích - Bắc Bổ Đà”. Phía Nam thành Thăng Long có chùa Hương Tích, phía Bắc có chùa Bổ Đà. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng nhất của miền Kinh Bắc.

Khu di tích chùa Bổ Đà gồm: Chùa cổ có tên là chùa Bổ Đà (hay còn gọi là chùa Quan Âm, hay Chùa Cao), chùa chính Tứ Ân Tự, Am Tam Đức, Vườn tháp và Ao Miếu. Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Đức Thánh Hóa (tức Thạch Linh Thần tướng – người có công giúp vua chống giặc ngoại xâm).

Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Tuy nhiên, lại có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam với gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành..., tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Chùa chính Tứ Ân tự, Là một trong các hạng mục của Di tích chùa Bổ Đà, chùa được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), Tứ Ân Tự hiện vẫn bảo tồn và giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa. Chùa có kiến trúc độc đáo, khác biệt so với những ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc “nội thông, ngoại bế” tạo nên không gian u tịch, thanh vắng, linh thiêng.

Tường đất- nét độc đáo của ngôi chùa, Tường đất từ cổng vào và bao quanh khu nội tự chùa Tứ Ân được xây dựng theo lối tường trình với độ cao từ 1,8- 5m, được trình từ thấp tới cao bằng lọai đất sỏi son trên núi Bổ Đà, trên đỉnh tường được che bằng các mảnh gốm, chum, vại... vỡ của Thổ Hà. Trải qua thời gian, các bức tường trình đã bị mưa thấm, ngả màu rêu phong càng làm tăng thêm vẻ cổ kính cho ngôi chùa.

Khu nội tự gồm 18 tòa nhà ngang, dãy dọc kết nối liên hoàn với tổng số gần 100 gian. Các chất liệu xây dựng được làm bằng gạch nung, ngói, tiểu sành và hệ thống tường bao được trình bằng đất rất độc đáo và bền vững. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau.

Bộ mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị cổ nhất

Trong chùa còn lưu giữ “Bộ mộc bản kinh phật” được khắc trên gỗ thị, với gần 2.000 bản khắc bằng chữ Hán, chữ Phạn và chữ Nôm truyền lại những giá trị của tư tưởng Phật giáo Thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Đã trải qua nhiều thế kỷ, bộ Mộc bản kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán để lưu truyền lại cho đời sau. 

Vườn tháp lớn nhất Việt nam, Đặc biệt “vườn tháp chùa Bổ Đà” được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Với hơn 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của hơn 2.000 vị tăng, ni. Tương truyền nơi đây vào những ngày rằm, những người được khai nhãn sẽ thấy được ánh sánh hừng lên từ những ngọn tháp cổ.

Với những giá trị văn hóa quý báu và ý nghĩa tâm linh to lớn cùng với số lượng thực tế Bộ mộc kinh chùa Bổ Đà đã được Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) công nhận là Bộ mộc bản kinh phật thuộc thiền phái Lâm tế khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới”. Vườn tháp chùa Bổ Đà được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận là “Vườn tháp lớn nhất Việt Nam”.

Am Tam Đức, được xây dựng cùng thời gian với chùa Tứ Ân. Các tổ tu tại chùa đặt tên am là “Tam Đức” vì mong ước người tu hành tại đây sẽ thông tuệ được ba đức tính: Trí đức, Đoạn đức và Ân đức. Đây cũng là nơi thờ tự tổ tu Phạm Kim Hưng sau khi cụ viên tịch.

Chùa Cao (chùa Quán Âm, chùa Ông Bổ, chùa Bổ Đà). Chùa thờ duy nhất Phật bà Quan Âm Tống Tử. Tương truyền, chùa Cao được xây dựng thời nhà Lý (TK XI), chùa là nơi cầu tự (cầu con) rất linh ứng. Tường chùa được trình bằng đất (dầy hơn 1m). Chùa tọa lạc tại vị trí được cho là ức của con chim Phượng, trên dãy núi Phượng Hoàng.

Ao Miếu, Là một trong những di tích thuộc khu di tích chùa Bổ Đà, tọa lạc tại trung tâm thôn Hạ Lát. Ao Miếu hay còn gọi là Đền Hạ thờ Thần Đá (Thạch Linh Thần Tướng) và Mẫu Đá. Theo truyền tích đây là nơi Thạch Linh Thần Tướng đã được sinh ra.

Gắn liền với di tích Chùa Bổ Đà là Lễ hội chùa Bổ Đà (còn gọi là Hội Chùa Bổ), Lễ hội được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 18 tháng hai âm lịch hàng năm tại khu vực núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên nay là thị xã Việt Yên, đó là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa. Cùng với những cuộc tế lễ trang nghiêm, thành kính, ở Lễ hội chùa Bổ Đà còn có một số trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, cướp cầu, đu... và triển lãm cây cảnh. Đặc biệt là trong lễ hội chùa Bổ Đà còn có tổ chức Liên hoan hát quan họ huyện Việt Yên - một sân chơi văn hóa lành mạnh lại có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn và phát huy một di sản văn hóa phi vật thể lớn của dân tộc. Đến với Lễ hội chùa Bổ Đà, quý du khách sẽ được tận mắt thăm một vùng danh thắng với các truyền tích, huyền thoại về đá cũng như một tập tục thờ “Thạch linh thần tướng” rất cổ kính của Bắc Giang, được cảm nhận vẻ đẹp của núi sông nơi bờ Bắc sông Cầu sơn thủy hữu tình, được thấy cuộc sống của các nhà sư tu hành nơi thiền viện...

Với những giá trị đặc biệt, ngày 31 tháng 1 năm 1992, chùa Bổ được công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 138/QĐ của Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao và ngày 22 tháng 12 năm 2016 được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt.

Di tích và lễ hội chùa Bổ Đà xứng đáng trở thành một điểm đến cho du khách tham quan, chiêm bái những giá trị văn hóa đặc sắc chùa Bổ Đà và tìm hiểu về văn hóa bờ Bắc sông Cầu.

Một số hình ảnh về di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà:

Một góc Vườn Tháp Chùa Bổ Đà

Mộc bản Chùa Bổ Đà

ảnh khu Nội tự

Bể nước trong khu Nội tự

Nét độc đáo chùa Bổ Đà Tường xây dựng được làm bằng gạch nung, ngói, tiểu sành

Di tích ao Miếu

Hòn Đá nơi được cho là đã sinh ra Thạch Linh Thần Tướng

Hoạt động múa Lân tại di tích chùa Bổ Đà

Nguyễn Thị Kim Cúc – Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Việt Yên

(Sưu tầm, biên tập)

 

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,156
Tổng số trong ngày: 6,637
Tổng số trong tuần: 68,057
Tổng số trong tháng: 267,511
Tổng số trong năm: 1,143,352
Tổng số truy cập: 8,037,036