Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024|

90% SỐ VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG Ở TRẺ EM LIÊN QUAN TỚI HỌC SINH THPT

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Tôi từng nghe từ những du khách nước ngoài nói một câu thế này: "Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam". Mới nghe xong ngỡ rằng chỉ là một câu nói đùa vui nhưng sự thật thì quả không sai khi danh sách số lượng nạn nhân do tai nạn giao thông (TNGT) tại Việt Nam đang dài ra mỗi ngày. Ngày nay, vấn đề an toàn giao thông đã trở nên cần thiết và bức bách hơn bao giờ hết, không chỉ là vấn đề của một cá nhân mà là vấn đề của mọi gia đình, của toàn xã hội.

Nhằm khắc phục giảm thiểu số vụ TNGT tại Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã quyết định chọn năm 2018 là “Năm ATGT cho trẻ em” với mục tiêu giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em ít nhất  10% so với năm 2017. Sở dĩ như vậy là do tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở trẻ em ở Việt Nam cao hơn nhiều so tỷ lệ bình quân trên thế giới và khu vực, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, TNGT liên quan đến trẻ em và nạn nhân là trẻ em đang có xu hướng gia tăng.

(Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, tại Hà Nội, học sinh cấp trung học phổ thông (THPT) là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong ba năm gần đây. Trong đó, trên 80% các vụ TNGT xảy ra khi trẻ em đang cầm lái điều khiển phương tiện. Năm 2016, tỷ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp THPT tại Hà Nội ở mức 7,39/100 nghìn học sinh, cao hơn nhiều so với trung bình một số nước trong khu vực châu Á (cao gấp 1,25 lần so Cam-pu-chia; 2,73 lần so Nhật Bản và 1,84 lần so Hàn Quốc). Chắc hẳn khi nhìn vào những con số này, người lớn đặc biệt là các bậc phụ huynh sẽ không khỏi rùng mình lo lắng cho con em khi chúng đang từng ngày từng giờ bị rình rập bởi lưỡi hái tử thần mang tên TNGT. Đây cũng là hồi chuông báo động về tình trạng tham gia giao thông của học sinh THPT mà chúng ta không thể không lưu tâm.

Có mặt vào giờ tan học tại một số trường THPT có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện, xe đạp điện; đi dàn hàng đôi, hàng ba lấn chiếm phần đường của các phương tiện tham gia giao thông khác; che ô, dùng điện thoại khi điều khiển phương tiện hay lạng lách, đánh võng, tụ tập trước cổng trường sau giờ tan học; đặc biệt, dù đã có quy định bắt buộc xe máy điện phải đăng kí biển kiểm soát mới được tham gia giao thông nhưng thực tế vẫn còn khá nhiều xe máy điện lưu thông khi chưa đăng ký.

Tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, tôi được biết có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến TNGT ở học sinh THPT, bên cạnh những lỗ hổng về công tác quản lý nhà nước, là vấn đề thiếu ý thức, văn hóa tham gia giao thông của chính các em, là thiếu sự quan tâm, nhắc nhở, giám sát, nêu gương của người lớn. Theo như Trung tá Nguyễn Đình Anh (Đội trưởng đội Cảnh sát Giao Thông, Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Phần lớn các em học sinh chưa có nhận thức đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng khó quản lý, kiểm soát được hành vi của các em ở ngoài giờ học. Phần còn lại do các em “học” từ cha mẹ, anh chị, những người chưa thực sự làm gương cho con em trong việc chấp hành pháp luật”.

Với những đặc điểm tâm sinh lý đặc trưng của lứa tuổi THPT, nhìn chung các em có khát khao, mong muốn được tự do, xu hướng vươn lên tự khẳng định mình trong các hoạt động xã hội nhưng nhiều lúc các em lại chưa đủ khả năng, chưa đủ kinh nghiệm để làm chủ được hành vi của mình. Đây cũng là thời kỳ con người hay hành động theo cách chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, tìm kiếm sự phấn khích, cảm giác mạnh. Nhận thức của thanh niên học sinh về những quy định của pháp luật giao thông còn hạn chế, chưa hình thành được thái độ tích cực và thói quen chấp hành đúng các quy tắc khi tham gia giao thông. Do vậy, bài toán về nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông ở lứa tuổi này vẫn là một bài toán khó trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, con số 90% các vụ tai nạn ở trẻ em có liên quan đến học sinh THPT không phải không có trách nhiệm của người lớn. Khảo sát tình hình phương tiện giao thông tại trường THPT Việt Yên 1 (Thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có thể thấy trong những năm gần đây số lượng phương tiện giao thông tăng lên đáng kể, đặc biệt phải kể đến sự tăng nhanh của xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy. Rất nhiều phụ huynh với tâm lý thương con đã sắm sửa cho con em mình những chiếc xe điện, xe máy để tham gia giao thông hằng ngày mặc dù quãng đường tới trường là vài trăm mét. Tốc độ phương tiện cao hơn dễ dẫn đến hành vi vi phạm tốc độ khi tham gia giao thông - nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông ở lứa tuổi này. Theo kết quả nghiên cứu về ATGT tại Việt Nam do PGS, TS Chu Công Minh (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) phụ trách, được biết số vụ TNGT liên quan đến nhóm đi xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy là cao nhất, khoảng 0,5 vụ/học sinh (nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện). Nguyên nhân một phần do sự thay đổi phương tiện từ đi bộ, đi xe đạp sang xe điện và xe máy càng làm gia tăng nguy cơ TNGT ở nhóm đối tượng này. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ và người lớn còn chưa làm gương cho trẻ em trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông, đôi khi chính bản thân nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật khi tham gia giao thông.

Từ những nguyên do trên, cần có những biện pháp nhằm khắc phục, giảm thiểu số vụ TNGT ở trẻ em nói chung và ở học sinh THPT nói riêng. Đối với vấn đề ANGT xung quanh trường học, Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ GT-VT nghiên cứu ban hành quy định về khu vực ATGT xung quanh trường học từ bậc mầm non đến THPT. Bên cạnh đó là nỗ lực hoàn thành xây dựng chương trình giáo dục ATGT cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến THPT, triển khai đồng bộ từ năm học 2018 - 2019. Thế nhưng, trên hết vẫn là phải nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Để làm được điều này cần sự nỗ lực không chỉ của các Bộ, Ban, Ngành mà còn từ phía Nhà trường, từ chính các em học sinh và đặc biệt từ chính các bậc phụ huynh.

Cùng với thầy cô, nhà trường, cha mẹ hãy là người trực tiếp hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Thói quen ấy cần được hình thành và nuôi dưỡng mỗi ngày, mỗi khi ra đường. Đặc biệt, mỗi phụ huynh phải tuyệt đối là những tấm gương tự giác chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo ATGT để trẻ em, học sinh ghi nhớ và noi theo, hãy cho trẻ thấy thái độ tôn trọng pháp luật, cẩn trọng với tay lái cũng như quý trọng sự an toàn của những người cùng đi trên đường mà người lớn thể hiện. Đó là cách dạy và bảo vệ trẻ chủ động nhất!

Mỗi em học sinh hãy luôn nhớ: “Phía trước tay lái là cuộc sống” để từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm khi điều khiển phương tiện giúp bảo về bản thân và những người giam gia giao thông khác. Năm học mới cũng chỉ bắt đầu chưa lâu, hi vọng, chúng ta sẽ có một năm học diễn ra an toàn, các em nhé!

(Ảnh minh họa)

Đỗ Thúy Nga - Đội Điều tra tổng hợp C.A huyện

 

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 11,599
Tổng số trong ngày: 1,817
Tổng số trong tuần: 63,237
Tổng số trong tháng: 262,691
Tổng số trong năm: 1,138,532
Tổng số truy cập: 8,032,216