Thứ sáu, Ngày 17 Tháng 05 Năm 2024|

Đình Mật Ninh - Di tích lịch sử cấp Quốc gia

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Làng Mật Ninh xưa nay là 3 thôn: thôn Đông Long, thôn Kẻ và Đình Cả, thuộc xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Không giống với nhiều ngôi làng khác, làng Mật Ninh có 2 ngôi đình, ngôi đình nhỏ tên là đình Mang và đình lớn gọi là đình Cả hay đình Mật Ninh.  Đình Mật Ninh nằm ở rìa làng, thuộc xóm Đình Cả của thôn Đông Long.

Đường đi đến di tích này rất thuận tiện cho khách đến tham quan nghiên cứu, có thể đi bằng tàu hỏa, ô tô, xe máy, xe đạp... vì đình chỉ cách quốc lộ 1A và đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn khoảng 1,5km.

Quang cảnh đình khi xưa

Lịch sử hình thành và đối tượng thờ phụng

Đình Mật Ninh là công trình tín ngưỡng văn hóa tiêu biểu của dân thôn với qui mô kiến trúc đồ sộ, nghệ thuật chạm khắc đẹp, tinh tế và tỷ mỷ. Đình được khởi dựng từ thời Lê, cách ngày nay gần 4 thế kỷ. Tấm bia đá cổ hiện nay ở trong hậu cung đình “Hành Huệ lưu phúc chi bi” được dựng khắc năm Vĩnh Thọ thất niên (1664). Từ khi khởi dựng đến nay, trải qua trường kỳ lịch sử của quê hương và đất nước, trải qua bao thời gian, thiên tai và chiến tranh, đình Mật Ninh vẫn đứng vững trên đất cũ nền xưa.

Đình thờ phụng thành hoàng làng là đức thánh Cao Sơn đại vương. Theo sự tích (bản gốc được sử thần Nguyễn Bính triều Lê soạn thảo) thì đức Cao Sơn quê ở động Lăng Xương, huyện Thanh Châu, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây. Ông là con cụ Nguyễn Hành và cụ bà là Đẩu Thị Loan, ông sinh ra là do bố mẹ được báo mộng. Người thần đầu thai, cho nên lớn lên ông rất tinh thông võ nghệ, am hiểu thiên thư. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, vua Duệ Vương đã hạ chiếu đi khắp nơi tìm người tài giỏi, đức hiền ra giúp nước, ông liền về triều ứng tuyển và được trọng dụng ngay, ông được Tản Viên Sơn thánh phong làm Tiền đạo thượng tướng quân đánh lên miền Đông Bắc. Khi tiến quân đến vùng Kinh Bắc thì trời đã xẩm tối, Cao tướng quân đã cho quân thiết lập lũy đồn để chống giặc. Được nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ- thần nhân âm phù, chẳng mấy thời gian ông đã làm xong. giặc Thục tới nơi liền bị quân tướng ông đánh cho tơi tả. Giặc Thục bình xong, ông trở lại trang khu trước kia đã đóng lũy đồn để báo đáp lòng dân. Xong xuôi ông được lệnh hồi triều. Rồi vua cho ông về ăn lộc ở Thanh Hóa và ông hóa ở đó. Triều đình phong cho ông làm Thượng Đẳng phúc thần và sắc cho các nơi mà khi xưa ông đánh giặc qua được dân trợ giúp phải lập nơi thờ phụng mãi mãi về đức Cao Sơn đại vương.

Nét đẹp kiến trúc

Di tích bao gồm nhiều hạng mục công trình, đồ thờ, bia đá, sự tích sắc phong... Nhưng nay chỉ còn lại tòa đại đình và hậu cung. Đây là một công trình cổ mang nét kiến trúc từ thời Lê với lối truyền thống thượng con chồng, hạ kẻ chàng cốn nách. Nền nghệ thuật dân gian của ta vốn có lịch sử lâu đời và cội nguồn bền vững trong nhân dân, đến nay ở đình Mật Ninh ta lại thấy nó được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, mang theo thẩm mỹ dân gian đó- các nghệ nhân dựng và chạm khắc trang trí đình Mật Ninh đã thể hiện trên các chính khối, đường nét chạm trổ của mình bằng các đề tài quen thuộc (hoa lá, mây, nước...) Tất nhiên ở giai đoạn này đình Mật Ninh cũng như nhiều công trình khác đương thời vẫn không  thể không chạm các hình tứ linh, tứ quý- một biểu tượng quyền uy của giai cấp thống trị phong kiến.

Kiến trúc và chạm khắc của đình mang phong cách nghệ thuật thời Lê độc đáo. Các mảng chạm khắc nghệ thuật trên cấu trúc đình và đồ thờ tự là yếu tố tạo nên giá trị cơ bản của di tích đình Mật Ninh. Trải qua mấy thế kỷ nhưng đình Mật Ninh vẫn cho các nhà nghiên cứu nghệ thuật hôm nay biết được ý nghĩa của cha ông ta từ xa xưa trên từng đường vân, thớ gỗ. Qua đó, ta lại càng thấy được sự lao động sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của thế hệ đi trước, đã tạo dựng nên một công trình tín ngưỡng- nghệ thuật giá trị tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Cổng đình được xây dựng sau, nhưng xây trát đẹp, gồm 2 cột đồng trụ đăng đối nhau tạo thành 4 lối đi từ phía chính diện vào sân trước đình. Hai bên là tường gạch xây trát thấp 1,2m có song gạch trên vùng thoáng đãng khiến người đi ngoài đường có thể nhìn ngắm đình được.

Tòa đại đình gồm 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói ta, 4 đầu đao cong mềm mại uyển chuyển, trông xa xa khách tham quan hình dung đây như 1 chiếc thuyền úp in hình xuống mặt nước của ao hồ phía trước. Nóc đình không còn bờ dải hoa chanh mà thay vào đó là bờ đắp thẳng, ở giữa có trang trí hình cánh phong, có 4 chữ Hán “Mật Ninh Minh Lệ”. Từ lưng chừng bờ dải nóc chéo xuống đao đình hiện vẫn còn các con kìm và hoa chanh trang trí. Đầu đao 2 tầng: tầng trên cong vắt lên như hình đầu phượng; tầng dưới cong vút thươn đều lại có con ly chầu lên phía con kìm ở lưng chừng nóc lao xuống.

Một nét cong đình cổ

Là một ngôi đình lớn cho nên phần 2 hồi đại đình ở phần trên vì ruồi, các đầu hoành được bít khéo léo bởi tàu gỗ, bờ trên mái ngói có đắp hình ly trông rất sinh động vừa để trang trí vừa có tác dụng chắn cho phần gỗ vỉ ruồi được kín đáo. Trên các cột cái (tứ trụ) tong tòa đại đình đều có ghi khắc chữ Hán tên tuổi, chức danh...của những người có lòng công đức. Đáng chú ý nhất là chiếc cột do tiến sỹ Chu Danh Tể công đức đã giúp cho việc đối chiếu niên đại đình Mật Ninh.

Khác với nhiều đình ở khu vực này đình Mật Ninh có hậu cung không nối liền với đại đình mà là 1 tòa riêng biệt 1 gian 2 chái có đao góc hẳn hoi. Hai gian chuyền bồng gắn hài hòa khép kín đại đình với hậu cung.

Tài liệu, hiện vật còn lại trong di tích

Hiện nay trong đình còn lại một số tài liệu hiện vật quý gía có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử đồng thời cũng giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về di tích như: bia đá, sự tích sắc phong, câu đối, đại tự, kiệu bát cống đặt trên long đình, bát biểu đủ bộ và một số đồ thờ tự khác: ống hương, ống hoa, đài trầu, đài rượu, cây đèn, cây nến...

Bộ chấp kích, bát bửu tại di tích

Với những giá trị văn hóa lịch sử to lớn của mình, Đình Mật Ninh đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết Định số 188 QĐ/BT, Ngày 13/02/1995.

Đỗ Quyên

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,356
Tổng số trong ngày: 9,318
Tổng số trong tuần: 54,134
Tổng số trong tháng: 190,241
Tổng số trong năm: 1,370,707
Tổng số truy cập: 8,264,391