Truy cập nội dung luôn
Thứ bảy, 27 Tháng 04 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,140
Tổng số trong ngày: 7,977
Tổng số trong tuần: 69,397
Tổng số trong tháng: 268,851
Tổng số trong năm: 1,144,692
Tổng số truy cập: 8,038,376

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CHÙA BỔ ĐÀ- NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG SINH HOẠT VĂN HÓA TÔN GIÁO

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Khu di tích chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn, là nơi thờ Tam giáo đồng nguyên gồm Phật giáo, Đạo giáo (Lão Tử), Nho giáo (Đức Thánh Khổng Tử) kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa, tục thờ đá, (thờ Thạch Linh Thần Tướng - Đức Thánh Hóa) đồng thời có ban thờ Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang) tạo nên dấu ấn riêng, độc đáo của khu di tích chùa Bổ Đà so với các trung tâm Phật giáo khác.

Cổng chùa

Đặc biệt, theo sự phát triển của lịch sử, khu di tích chùa Bổ Đà là nơi kế truyền các vị Tổ sư khai trương thuyết pháp đào tạo các tăng ni, phật tử theo dòng thiền Lâm Tế. Hằng năm, vào mùa kiết hạ an cư, các vị tăng ni tham thiền học đạo tại khu di tích rất dông. Để phục vụ cho việc đào tạo truyền bá kinh Phật, các vị Tổ sư còn cho khắc nhiều bản kinh, luật, đạo thừa như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam Hải ký quy..., làm cho kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam càng thêm phong phú.

Ảnh chùa Bổ Đà

Khu di tích chùa Bổ Đà là Trung tâm Phật giáo kế tục các vị tăng già nhiệt tình yêu nước và cách mạng, đã cởi áo cà sa tòng quân nhập ngũ noi theo truyền thống phụng đạo yêu nước của ông cha. Vào thời kỳ phong kiến thống trị đô hộ, các sư tu hành ở chùa đã cùng nhân dân khởi nghĩa, tham gia cứu nước. Sư cụ Đức Chính là Phó hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam là một điển hình cho sơn môn Bổ Đà tích cực tham gia kháng chiến, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Ngày nay, các vị tăng ni tu hành tại sơn môn Bổ Đà vẫn phát huy truyền thống tốt đẹp này biểu thị cho tinh thần đại hùng, đại lực của đạo Phật.

Khu di tích chùa Bổ Đà là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng và là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân từ nhiều thế kỷ nay. Khu di tích chùa Bổ Đà có giá trị kiến trúc nghê thuật độc đáo; có hệ thống mộc bản kinh Phật của thiền phái Lâm Tế cổ nhất Việt Nam và là nơi lưu giữa nhiều di sản tư liệu phong phú, độc đáo. Nơi đây còn bảo lưu hệ thống tượng Phật cổ và nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Với những giá trị về lịch sử kiến trúc nghệ thuật cũng như văn hóa tâm linh của mình, chùa Bổ Đà xứng đáng là một trong hai ngôi chùa tiêu biểu của Việt Nam đúng như câu phương ngôn xưa:

“Nam Hương tích, Bắc Bổ Đà”

Người dân du Xuân trẩy hội

Lễ hội Bổ Đà xưa thực chất là lễ giỗ Tổ khai sơn, được tổ chức đơn giản, không náo nhiệt như ngày nay. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ khai sơn, ngày rằm mồng một, người dân địa phương lại sửa soạn đăng trà, quả thực lễ Phật và các vị sư Tổ. Trước là để bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị sư Tổ, sau là cầu an, cầu mùa màng bội thu và quốc thái dân an. Người đi lễ chùa chủ yếu là các cụ, các bà tuổi đã cao nên thường có con cháu gánh lễ đi theo và dần dần trở nên đông đúc như ngày nay.

Chùa cao

Lễ giỗ Tổ diễn ra từ ngày 15-19 tháng Hai âm lịch hằng năm, trong lễ giỗ Tổ có lễ tế Tổ. Lễ tế thường được tổ chức trước ngày hội chính một hoặc hai ngày để tránh ồn ào. Lễ tế Tổ do các làng Thượng Lát, Hạ Lát và Kim Sơn thay phiên tổ chức, nhà chùa không can dự đến việc tế Tổ mà chỉ phục vụ tín ngưỡng cho phật tử. Ban tế do các thôn thay phiên phụ trách lựa chọn và chuẩn bị. Trang phục của Chủ tế, Đông xướng và Tây xướng mặc áo đỏ, quần trắng, đầu đội mũ tế, chân đi hài, các quan viên mặc áo xanh, quần trắng, đi hài, đội mũ tế; các cụ mặc áo the khăn xếp màu đen. Các lễ vật dùng trong lễ tế gồm đăng trà, quả thực, hương, hoa.

Lễ tế được tổ chức ở nhà Tiền tế và nhà Tỗ tăng, thời gian đầu từ lúc 8 giờ sáng 9 giờ 30 phút, tuỳ thuộc vào chương trình làm việc của từng năm. Trước khi tiến hành lễ, đại diện các cụ thượng của ba thôn phải đặt lễ và xin phép thầy trụ trì. Trong thời gian tổ chức lễ tế Tổ, dân làng làm lễ ở tòa Tam bảo. Khi lễ tế kết thúc, các sư tăng tiến hành cúng Tổ tại nhà Tổ tăng khoảng 30 phút. Sau khi nhà chùa làm lễ xong, nhân dân các làng từ già đến trẻ, cùng du khách thập phương mới được vào dâng lễ. Người tham gia lễ giỗ Tổ thuộc nhiều tầng lớp nhân dân ở địa phương, các vùng lân cận và du khách thập phương, đặc biệt là những ngày chính hội, Phật tử và du khách về dự lễ giỗ Tổ rất đông.

- Lễ hội nay: Ngày nay, lễ hội Bổ Đà được tổ chức trong một không gian rộng lớn, trung tâm là khu di tích chùa Bổ Đà, gắn liền với đời sống văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây. Khu vực này hội tụ nhiều ngọn núi cao, bao quanh xóm làng, trên đó có nhiều điểm di tích cho nhân dân và du khách thập phương đến dâng lễ như: Đền Trung, Đền Hạ, Đền Thượng, Chùa Cao (chùa Quán Âm), chùa Tứ Ân ... Vào ngày hội, tất cả các đình chùa, đền, miếu trong khu vực núi Bổ Đà đều mở cửa đón du khách thập phương về đây dự hội.

Trong những ngày diễn ra hội lệ, cả một vùng núi Bổ Đà đều được cắm cờ Phật, cờ Thánh, cờ đại, cờ ngũ hành rực rỡ, tiếng trống phách rộn ràng, không khí phấn khởi, náo nhiệt lan tỏa khắp vùng... Theo lệ cũ, ba ngôi đền thờ Thạch Linh Thần Tướng (Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng) tổ chức sự lệ vào ngày mồng 10 tháng Giêng và 12 tháng 9 âm lịch, còn hội chùa Bổ Đà tổ chức từ ngày 15 đến ngày 18 tháng Hai âm lịch. Trong quá trình tiếp biến văn hóa, sự lệ của ba đền đã hòa chung vào ngày hội khu di tích chùa Bổ Đà tạo nên một lễ hội vùng có quy mô và sức ảnh hưởng lan tỏa rộng lớn, tạo nên một nét văn hóa độc đáo trong lễ hội Bổ Đà. Do đó, các nghi thức tế lễ, rước sách của đền cũng được diễn ra vào dịp này, “yếu tố tín ngưỡng dân gian và yếu tố Phật giáo với những đặc điểm riêng biệt nhưng lại hòa vào nhau để tạo nên một vẻ đẹp độc đáo cho lễ hội Bổ Đà.

Sáng ngày 17 tháng Hai âm lịch, người dân trong vùng tập trung tổ chức tế lễ ở Đền Hạ, sau đó thực hiện lễ rước từ Đền Hạ lên Đền Trung để bái vọng lên Đền Thượng. Đoàn rước có sự tham gia phối hợp giữa nhà chùa với dân làng và du khách thập phương thể hiện rõ sự tôn nghiêm và tấm lòng thành kính. Đoàn rước đi qua đình Lát Hạ, chùa Linh Chi, chùa Núi Đất rồi lên Đền Trung; kiệu và đồ rước đóng tại đền Trung để dân làng làm lễ bái vọng lên đền Thượng; tiếp sau lễ này là lễ hoàn cung. Còn khách thập phương tiếp tục cùng dân làng lên núi thắp hương đền Thượng và tiến lễ cúng Phật ở chùa Quán Âm và chùa Tứ Ân. Bên cạnh nhũng điểm di tích nêu trên, quanh khu vực núi Bổ Đà còn có các điểm di tích khác đều mở cửa, đón khách trong ngày hội lớn của vùng như: Đình Ngự, đình Lát Hạ, đình Lát Thượng, chùa Thạch Long, đền Bà Chúa Kho, chùa Núi Đất, chùa Núi Lùn... Để tỏ lòng thành kính với đức Phật  và lòng biết ơn, ngưỡng vọng tới các vị Thần, vị Thánh đã có công với quê hương, đất nước, người dân chuẩn bị đồ lễ là những sản vật đẹp nhất, ngon nhất dâng lên Phật, Thánh.

Đặc biệt, nằm trong vùng đất Kinh Bắc xưa nên bắt đầu từ năm 2006, trong lễ hội Bổ Đà còn tổ chức thi hát quan họ, đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo của lễ hội Bổ Đà so với các lễ hội khác. Ngày 30/9/2009, Quan họ đã được ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể công bố là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc tổ chức thi hát quan họ tại lễ hội Bổ Đà có ý nghĩa tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này. Vào ngày hội những liền anh liền chị từ khắp các huyện, trong tỉnh và các tỉnh bạn kéo về để thi tài, để vui Xuân, vui hội và ca lên những lời quan họ ngọt ngào, đằm thắm, trữ tình cầu may, cầu phúc góp phần làm cho không khí ngày hội thêm vui tươi, nhộn nhịp... Thông qua các hình thức hát trên sân khấu, hát đối đáp, hát đơn, tốp nam - nữ, giọng vặt... các tiết mục đã mang đến cho khán giả không gian văn hóa đậm đà truyền thống vùng quê Kinh Bắc.

Theo tiến trình lịch sử với điều kiện kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện cùng sự hội nhập, giao thoa văn hóa qua nhiều giai đoạn thì lễ hội Bổ Đà đã có nhiều thay đổi và được mở rộng thành lễ hội vùng mang những nét văn hóa đặc sắc. Lễ hội Bổ Đà tồn tại hàng trăm năm nay, gắn liền với sự phát triển của vùng quê bên bờ Bắc Sông Cầu, có liên quan mật thiết với người dân trong vùng, chứng tỏ ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội. Đồng thời nó cũng biểu hiện tình cảm, sự sùng kính của nhân dân đối với các vị Tổ đã có công xây dựng chùa, các vị Thánh đã có nhiều công lao với quê hương, đất nước. Lễ hội Bổ Đà đã thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, địa phương hay rộng hơn là quốc gia dân tộc. Lễ hội Bổ Đà chính là dịp giúp mỗi tín đồ, Phật tử về vãn cảnh, dâng lễ nơi đây được giải toả, giãi bày phiền muộn, lo âu với thần linh, mong được Thần giúp đỡ, chở che ... chính từ những nét độc đáo đó mà năm 2016, lễ hội Bổ Đà đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Nguyễn Thị Kim Cúc, Phòng Văn hóa và Thông tin

(Sưu tầm, biên tập)