Truy cập nội dung luôn
Thứ ba, 21 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 20,949
Tổng số trong ngày: 9,628
Tổng số trong tuần: 34,157
Tổng số trong tháng: 233,915
Tổng số trong năm: 1,414,381
Tổng số truy cập: 8,308,065

Độc đáo tục lệ Hàng khoá ở làng Phúc Lâm

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Làng Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) là một làng cổ, có nhiều phong tục độc đáo được lưu truyền qua bao thế hệ. Trong đó có tục lệ “Hàng khoá”, một tục lệ độc đáo có một không hai ở nước ta. Và tục lệ này cho đến nay cũng khó giải thích được cặn kẽ các nghi thức sinh hoạt trong đó nhưng nó đã gắn bó với mỗi trai đinh của làng hết đời này sang đời khác.

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, tục lệ này đã có từ hàng trăm năm nay. Chữ “hàng” ở đây là việc xếp năm sinh của các trai đinh theo thứ tự 12 con giáp. Cứ 3 con giáp, mỗi con cách nhau bốn năm, theo quan niệm “tam hợp” trong dân gian được xếp thành một hàng như: Tý – Thìn – Thân, Sửu – Tỵ - Dậu, Dần – Ngọ - Tuất, Mão – Mùi – HợiCòn “khoá” gồm có 9 lứa tuổi, đó là tuổi ứng với các con giáp trong cùng một hàng, được tính từ tuổi 20 đến 52, theo tuổi âm lịch. Mỗi trai đinh trong làng từ khi 20 tuổi đến tuổi 52 được làm cỗ chín khoá, sang tuổi 53 thì được khao lão và bấy giờ mới được áo the, khăn xếp vào đình.

Tên gọi của Hàng khoá của từng năm là tên gọi theo con giáp, bắt đầu từ con giáp ứng với năm sinh của những người tuổi 52. Năm Bính Thân 2016, hàng khoá ở Phúc Lâm được gọi là Hàng khoá Tỵ - Dậu – Sửu. Chữ Tỵ được xếp đầu hàng vì tuổi Ất Tỵ sinh năm 1965 lớn nhất; chữ Sửu xếp sau cùng vì những trai đinh sinh năm Đinh Sửu 1997 năm nay 20 tuổi, là tuổi bé nhất trong hàng khoá. Tên gọi này thay đổi theo từng Hàng khoá.

Từ xưa quy định của dân làng rất chặt chẽ. Những người con trai sinh cùng một năm được gọi là đồng tuế. Ai có bố nhiều tuổi nhất với điều kiện phải sinh sống ít nhất ba đời ở làng thì được gọi là “đầu gang”. Các đầu gang có trách nhiệm tập hợp và phân công công việc cho các đồng tuế của mình. Người ở tuổi 52 có bố nhiều tuổi nhất được gọi là “đầu giấy”. 

Cũng chính vì thế, trong năm, đôi vợ chồng nào sinh được con trai thì những ngày Tết năm sau bế con đến chúc Tết trong các gia đình phương trưởng trong họ, trong làng để gia chủ mừng tuổi cho con một quả cau. Ngày mồng 4 Tết mang cau ra đình làm lễ để tên con được ghi vào sổ trai đinh của làng. Việc này dân làng gọi là “vào phe” cho đứa trẻ. Khi đến tuổi 20, đứa trẻ này sẽ trở thành trai đinh của làng và được vào Hàng khoá.

Vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, khoá nào đảm đương việc làng thì làm cỗ lễ đình, lễ chùa và lễ đền. Hàng khoá Tỵ - Dậu – Sửu năm nay có trên 140 trai đinh thuộc 9 lứa tuổi. Trong đó tuổi hai mươi tám đông nhất có 26 người, tuổi bốn mươi tám có ít nhất có 9 người. Tất cả các lứa tuổi tập trung ở nhà ông Đỗ Văn Khôi đầu giấy tuổi 52 để làm cỗ. Trước đó, tối mồng 7 tháng Giêng, đầu gang các lứa tuổi về họp “hội chủ” ở nhà người đầu giấy để bàn, chuẩn bị cho việc sắp cỗ. Nhiệm vụ của các lứa tuổi do tuổi 52 phân công. Các tuổi dưới phải tuân theo sự phân công này.

Cụ Đỗ Văn Lý cùng các lứa tuổi trong Hàng khoá Tỵ - Dậu - Sửu làm lễ tại đình làng ngày 15 tháng Giêng năm 2016

 

Ông Đỗ Văn Khôi, đầu giấy tuổi 52 đọc tên các trai đinh trong Hàng khoá

Làm cỗ xong, từ nhà ông đầu giấy, các trai đinh sắp thành hàng, theo lứa tuổi, lần lượt dâng cỗ tế lễ đình, chùa, đền. Tại đình làng, cụ Thượng hoặc các cụ đồng khoá đã được tuổi 80 trở lên làm lễ kính cáo đức Thành hoàng sau đó người đầu giấy sẽ đọc tên tất cả trai đinh của khoá mình từ lứa tuổi trên xuống dưới để đức Thành hoàng chứng giám.

Năm nay, cụ Đỗ Văn Lý, 80 tuổi, được Hàng khoá mời ra làm lễ tại đình. Cụ sinh năm Quý Sửu (1937), và là đồng khoá tuổi trên các tuổi trong Hàng khoá năm Bính Thân. Cụ lý cho biết: “Trong Hàng khoá từ xưa tới nay trên bảo dưới nghe và rất đoàn kết. Dân làng vẫn duy trì đều đặn, mỗi năm có một khoá làm lễ cầu cho dân làng bình an, làm ăn tươi tốt, mùa màng bội thu và cầu cho mỗi gia đình an khang thịnh vượng”.

Hàng khoá chuẩn bị dâng lễ vào đình

Hàng khoá chụp ảnh lưu niệm cùng cụ cao niên đồng khoá tại đình làng

Tự hào về nét đẹp truyền thống của quê mình, ông Thân Văn Thường, một người dân ở làng Phúc Lâm nói: “Tôi năm nay được tuổi 52, là khoá cuối. Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trong làng Phúc Lâm, được các cụ truyền lại tục lệ này. Tôi có thể khẳng định đây là tục lệ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam mình. Bản thân tôi luôn dạy bảo con cháu cùng các thế hệ tiếp sau biết gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông truyền lại để dân làng ngày càng đoàn kết và cùng nhau phát triển”.

Mỗi làng quê trên đất nước Việt Nam đều mang trong mình những phong tục tập quán, những nghi thức sinh hoạt cộng đồng của các cư dân. Từ hàng trăm năm nay, tục lệ này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân làng Phúc Lâm. Mỗi trai đinh của làng dù đi xa vẫn nhớ, cứ bốn năm một lần lại về quê cha đất tổ tham gia Hàng khoá để cầu mong những điều may mắn nhất, tốt đẹp nhất đến với dân làng và hân hoan nghe tên mình được kính cáo lên Đức Thành hoàng.

Đỗ Tập