Truy cập nội dung luôn
Chủ nhật, 28 Tháng 04 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,380
Tổng số trong ngày: 461
Tổng số trong tuần: 460
Tổng số trong tháng: 269,843
Tổng số trong năm: 1,145,684
Tổng số truy cập: 8,039,368

Đền Thượng - Di tích lịch sử, gắn liền với truyền thuyết dân gian về Thạch Linh Thần Tướng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Đền Thượng hay còn gọi là Đền thờ Thạch Linh Thần Tướng. Theo các nguồn tài liệu lịch sử, tài liệu Hán Nôm như: Thần tích xã Thượng Lát, tổng Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; sách Truyện dân gian vùng Quan họ - Bà Chúa Kho; sách Bắc Ninh dư địa chí; sách Địa chí Bắc Giang. Từ điển; sách Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm: Đền Thượng có lịch sử xây dựng từ lâu đời và được tu bổ, tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) và các giai đoạn sau này. Lịch sử hình thành đền Thượng gắn liền với truyền thuyết dân gian về Thạch Linh Thần Tướng. Đây là một vị Thần có tài năng và sức mạnh đặc biệt, đã lập nhiều chiến công kỳ vỹ giúp nhà vua Hùng Tạo Vương đánh thắng giặc Man. Sau khi thắng trận, Thạch Tướng đã cưỡi voi trở về nơi đã sinh ra mình ở trang Tiên Lát, trèo lên ngọn núi Phượng Hoàng, chỗ đỉnh cao nhất rồi bay thẳng lên trời biến mất. Để tưởng nhớ đến công trạng của ông, nhà Vua đã ra lệnh cho nhân dân địa phương và bách quan trở về chỗ hóa (tức đỉnh ngọn núi Phượng Hoàng) để hành lễ rồi lập đền thờ ông tại đỉnh ngọn núi Phượng Hoàng. Ban đầu ngôi đền được xây dựng với một gian theo kiểu cuốn vòm, nguyên liệu dựng đều bằng đá được lấy tại núi Phượng Hoàng, bên trong đền đặt một bát hương. Trải qua thời gian, với sự linh thiêng, huyền bí, ngôi đền dần dần trở lên nổi tiếng khắp vùng. Mặt khác, đền Thượng cùng với các di tích khác trong sơn môn Bổ Đà như: Ao Miếu, chùa Bổ Đà, đền Trung, đền thờ Độc Cước, đền Bà chúa Kho... đã tạo thành một quần thể di tích liên hoàn, phản ánh đậm nét một thời kỳ lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Đền Thượng tọa lạc ở ngọn núi Phượng Hoàng thuộc dãy Bổ Đà sơn, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên nay là thị xã Việt Yên. Núi Bổ Đà là tên gọi chung cho cả dãy núi thuộc xã Tiên Sơn. Trong dãy núi Bổ Đà có ba ngọn núi lớn, mỗi ngọn mang một tên riêng. Cao nhất là Phượng Hoàng, có nhiều đá, thông mọc rậm rạp. Ngọn thứ hai là Mã Yên sơn và ngọn thứ ba là Kim Quy sơn. Các dải núi nhấp nhô, cây xanh tươi tốt quanh năm. Bao quanh đền Thượng còn có nhiều cây cổ thụ xanh tươi toả bóng mát với các ngọn núi lớn chầu về; có lục bộ Tiên Sa như: Bộ Trắng, Bộ Ngạnh, Bộ Không, Bộ Trề, Bộ Trạ. Ngoài ra còn có núi Con Cóc, núi Chùa Khám, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi, ngọn Bàn Cờ Tiên... Phía trước đền Thượng là cánh đồng và dòng sông Cầu bao bọc uốn lượn như một dải lụa. Đây thực là chốn địa linh, sơn thủy giao hòa. Theo nhận định trong bài viết của Nguyễn Huy Bỉnh về Truyền thuyết Thạch Tướng Quân trong mối tương quan với tín ngưỡng thờ đá cho biết:

“Tất cả họp thành một không gian địa lý hết sức lý tưởng. Trong môi trường địa lí nhân văn ấy, truyền thuyết Thạch Tướng Quân đã mang những đặc điểm và dấu ấn địa phương hóa của vùng đất khá rõ rệt.”

Bậc đá Đường lên đền Thượng

Đền Thượng có tổng diện tích 1578.8m2. Các phía Đông, Tây, Nam, Bắc đều giáp núi. Để lên đền Thượng, du khách có thể leo theo sườn Bắc núi Phượng Hoàng tại di tích chùa Bổ Đà tọa lạc, từ đây sẽ có một lối đường nhỏ được lát gạch gọn gàng dẫn lên đền Thượng. Từ đường dẫn vào khuôn viên di tích là một khoảng sân rộng rãi, thoáng đãng, được lát bằng đá xanh có kích thước 0,15m X 0,15m, xung quanh sân đều được bó vỉa gọn gàng và các xây lan can gạch cao 0,50m, bên trong gắn gạch rỗng hình hoa thị. Đặc biệt, hai bên sân đặt hai chú voi được đắp bằng thạch cao đang chầu về trung tâm ngôi đền - là biểu tượng dân gian cho sức mạnh dũng mãnh đã giúp Thạch Tướng đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại thái bình cho quê hương. Sân nối với tòa Tiền tế bởi 5 bậc đá xanh, hai bên bậc đắp hình mây hóa rồng uốn lượn mềm mại. Đền Thượng được tạo bởi 2 công trình liên kết với nhau gồm: Tòa Tiền tế và Hậu cung tạo bình đồ kiến trúc hình chữ Đinh. Tòa Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ với 4 mái đao cong mềm mại, uyển chuyển. Mái lợp ngói mũi. Bờ nóc xây gạch chỉ phủ vữa, chính giữa đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, hai bên đầu bờ nóc đắp nổi hình hai con kìm ngậm vào bờ nóc. Bờ dải xây gạch chỉ phủ vữa. Tại các đầu mái đao đắp hình con kìm đang ngậm vào bờ chảy với đuôi cong vút. Tất cả tổ hợp trang trí đều mang phong cách kiến trúc truyền thống và tạo cho đáng vẻ bên ngoài ngôi đền thêm phần linh thiêng, cổ kính.

Đôi Voi đá tại sân trước đền Thượng

Tường tòa Tiền tế xây gạch, phủ vữa, quét vôi. Hai gian hồi phía trước tòa Tiền tế trổ cửa sổ hình chữ Thọ tròn để lấy ánh sáng, tạo sự thông thoáng bên trong đền. Ba gian giữa tòa Tiền tế được xây thụt vào tạo hàng hiên nhỏ phía trước, lắp cửa thượng song hạ bản chạy dài suốt 3 gian, bên trên cửa lắp con tiện tạo sự thông thoáng trong di tích, bên dưới đặt các ngõng cửa cao 0,30m trang trí hình hoa văn lá lật vừa mang ý nghĩa tâm linh, tạo sự chắc chắn cho hệ thống cửa gỗ theo lối truyền thống này. Nền đền lát gạch vuông đỏ, kích thước gạch 0,30m x 0,30m. Tiền tế có kích thước rộng 7,65m, dài 14,45m, cao nóc 4,65m. Kết cấu chịu lực bên trong tòa Tiền tế được làm bằng gỗ lim, tạo bởi 4 vì, được liên kểt với nhau bởi xà ngang, xà dọc, các khoảng hoành, kẻ tạo vì mái. Hai vì nóc gian giữa liên kết với nhau theo kiểu thức vì con chồng, trụ giá chiêng. Hai vì ngóc gian ngoài cùng liên kết theo kiểu thức con chồng. Trên các con chồng chạm khắc hình vân mây, hoa văn lá lật vừa mang tính chất trang trí vừa tạo cho bộ khung mái sự thanh thoát nhẹ nhàng. Hệ thống vì nách được gắn kết theo kiểu kẻ ngồi tạo thành một tổng thể nhất quán vững chắc từ bộ vì nóc xuống đến vì nách. Trên các câu đầu của vì nóc, cũng như kẻ của vì nách đều được chạm nổi đề tài hoa văn kỷ hà, hoa văn vân xoắn mập, các họa tiết tạo nên sự chắc chắn cho kết cấu kiến trúc nhưng lại không thô cứng và đầy chất thẩm mỹ.

Hậu cung gồm 3 gian nối vuông góc với tòa Tiền tế, xây bình đầu bít đốc. Tường xây gạch, ngoài phủ vữa, quét vôi trắng. Mái lợp ngói mũi. Bờ nóc, bờ dải xây gạch chỉ phủ vữa. Liên kết vì theo kiểu thức con chồng, gia chiêng, vì nách bán giá chiêng. Nền Hậu cung lát gạch vuông đỏ truyền thống, kích cỡ gạch 0,30m X 0,30m. Hậu cung có kích thước dài 7,65m, rộng 5,0m, cao nóc 3.75m. Bên trong Hậu cung các đồ thờ được đặt trên ban thờ chia làm các bậc từ ngoài vào trong với đầy đủ loại hình: Tượng thờ, bát hương, đỉnh đồng... và các đồ thờ khác. Các mảng chạm khắc tại tòa Hậu cung cơ bản giống với tòa Tiền tế.

Đáng chú ý là các mảng chạm khắc ở các lớp cửa võng tại tòa Hậu cung đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Các lớp cửa võng là sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhiều chủ đề tạo nên sự phong phú, đa dạng nhưng thuần khiết với các đề tài truyền thống như: tứ quý, tứ linh... Các đề tài đan xen lẫn nhau tạo nên một tổng thể hài hòa giữa thỉên nhiên và đời thực. Hình ảnh những chú rồng vươn mình ở vị trí trung tâm và uốn lượn bao quanh lấy cửa võng. Trung tâm cửa võng là hình ảnh mai hóa rồng, hai bên là hình ảnh phượng, lân, rùa đan xen trong các lớp hoa cúc, mai, cây tùng tạo nên một bức tranh sinh động. Tất cả đề tài thể hiện không chỉ làm giảm tính khô cứng của các cấu kiện kiến trúc mà còn tạo ra tính thiêng cho không gian kiến trúc nơi đây.

Ban thờ Thạch Linh Thần Tướng

Bên phải Đền Thượng là Nhà Mẫu mới được xây dựng vào năm 2017 - nơi thờ Phụ Thân và Phụ Mẫu của Thạch Tướng Quân. Công trình có bố cục kiến trúc hình chữ Nhất gồm 5 gian xây bình đầu bít đốc. Bờ nóc gắn gạch rỗng hoa chanh, bờ dải xây gạch phủ vữa kiểu giật cấp. Ba gian giữa lắp cửa bức bàn. Nền lát gạch men đỏ truyền thống kích thước 30x30cm. Kết cấu chịu lực bên trong gồm 6 vì, liên kết các vì nóc theo kiểu thức vì kèo trụ trốn. Trên các cấu kiện được bào trơn đóng bén không chạm khắc cầu kỳ. Hai gian giữa được bố trí làm gian thờ, đặt tượng Phụ Thân, Phụ Mẫu của Thạch tướng và các đồ thờ khác.

Trải qua thời gian với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Thượng vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Thần đá.

Đền Thượng tọa lạc ở địa thế phong thủy, trên đỉnh ngọn núi Phượng Hoàng. Nơi địa linh nhân kiệt, sơn thủy giao hòa, đất trời hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tươi đẹp nhưng cũng rất thanh tịnh, thâm nghiêm. Bao bọc lấy di tích là một không gian xanh với rất nhiều loại cây, các khối đá lớn nhỏ đan xen tồn tại trên đỉnh núi, sườn núi, dưới chân núi và ẩn hiện trong các lớp đất, cỏ cây, trong một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nhuốm màu huyền thoại dân gian. Đặc biệt, di tích Đền Thượng cùng với quần thể Khu di tích chùa Bổ Đà (xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2016) đã tạo nên yếu tố tín ngưỡng dân gian và yếu tố Phật giáo với những đặc điểm riêng biệt, được duy trì trong suốt nhiều thế kỷ qua, trở thành một quần thể di tích liên hoàn, phản ánh đậm nét một thời kỳ lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Nguyễn Thị Kim Cúc – Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Việt Yên

(Sưu tầm, biên tập)