Thứ năm, Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024|

Về Việt Yên chiêm ngưỡng tập tục thờ đá - Một nét tín ngưỡng cổ độc đáo

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Nhìn từ phương diện thực hành tín ngưỡng dân gian, thờ đá là một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, tập tục thờ đá ở Tiên Lát- Việt Yên lại gắn liền với truyện kể về những nhân vật vừa hoang đường vừa gần gũi với người dân. Truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Thạch Tướng Quân của người dân nơi đây không phải là các nghi thức ma thuật, hay các hình thức cúng tế, các trò diễn dân gian ma mị liên quan đến vị thần đá như ở nhiều nơi mà là hình thức thờ cúng vị thần mang niềm tin và mơ ước mới.

Đặc biệt, sự lưu truyền, tồn tại của truyền thuyết Thạch Tướng Quân với tục thờ đá ở Tiên Lát đã tạo ra một hiện tượng văn hóa dân gian, trong đó truyền thuyết với vai trò định hình một lý lịch cụ thể về vị thần, còn hiện tượng thờ cúng và thực hành nghi lễ về vị thần ấy mang tính chất tôn vinh và duy trì sức sống của vị thần trong tâm thức dân gian. Hơn nữa, tập tục thờ đá ở Tiên Lát- Việt yên có một vai trò hết sức quan trọng trong sự hình thành và tồn tại của truyền thuyết Thạch Tướng Quân, nhưng mặt khác, truyền thuyết này đã có tác động vô cùng ý nghĩa đến tín ngưỡng thờ đá nơi đây, bởi chính nhân vật Thạch Tướng Quân trong truyền thuyết là vị thần trung tâm tồn tại trong niềm tin và sự ngưỡng vọng của người dân.

Truyền thuyết Thần tướng sinh ra từ đá.

Sự tích về Thạch Linh thần tướng được kể rằng: Có một người trưởng giả là Nguyễn Hòa cùng vợ là Cao Thị Huyền ở trên một khu đất rộng rãi, trong khu đất có một cái ao, giữa ao có một tảng đá to như bàn cờ; xung quanh khu đất có nhiều núi đá cao, trên có thông reo, có rồng đá, voi đá, ngựa đá, rùa đá, cờ đá hướng chầu. Nguyễn Hòa tuổi đã ngoài 60, vợ cũng quá 50 tuổi mà vẫn chưa có một mụn con nối dõi, trong lòng lấy làm buồn vì tôn đường hương hoả không lấy ai phụng thờ sớm tối, nên chỉ lấy rượu làm vui và thường ra bàn đá giữa ao ngồi chơi để giải lòng phiền muộn. Một hôm vừa ra tới bàn đá, chợt thấy một con rắn hoa dài hơn 10 trượng, vây đủ màu sắc, đang bò quanh co trên bàn đá, trông thấy người thì trườn xuống nước biến mất. Đêm hôm ấy, mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm, trong ao hình như có tiếng người nói, cười, đàn hát. Nguyễn Hòa nấp xem, thấy phiến đá trong ao có mây che ngũ sắc, khí nổi lạ lùng, trên trời tiên nữ ca ngâm, nhã nhạc réo rắt…Sáng hôm sau là ngày mùng 10 tháng Giêng, Nguyễn Hòa ra xem thấy mây che mù mịt, trời đất tối tăm. Chợt có một tiếng sấm vang trời, lở đất, rồi mây tự tán, trời đất thanh quang. Phiến đá tự nhiên tan ra thành ba mảnh, xuất hiện một trang nam tử, tướng mạo đường đường, phong tư lẫm liệt, thân hình to lớn. Sắc như mặt trời mới mọc, mặt tựa sao sáng soi đêm, tiếng thét như sấm vang động cả thiên cung, thủy phủ. Nguyễn Hòa thấy người dị tướng bèn chạy ôm lấy đem về nhà nuôi và đặt tên là Thạch Tướng… Đến năm 7 tuổi, Thạch Tướng cao hơn 10 trượng, thế đủ lay non lấp biển, nhân dân chạy phục, hổ báo hướng chầu..

Thời bấy giờ, giặc Man nổi lên, vua lấy làm lo lắng, hạ chiếu mời bách quan đại hội, thiết lập đàn chay, khấn cầu trời đất giúp việc trừ giặc. Được 21 ngày, tự nhiên mây đen kéo phủ đàn tràng, tối tăm mờ mịt, rồi gió mưa, sấm, sét nổi lên. Một lúc sau trời quang, mây tạnh, trong đàn tỏ sáng, thấy một lá cờ trắng ở trên đàn, cờ có hàng chữ: 

Trên trời thượng đế báo nhà vua

Đánh giặc tan tành tựa gió mưa

Tìm đến Bắc Hà, Yên Việt xứ

Chuyển Hùng Thạch Tướng đánh không thua!

Hôm ấy là ngày mồng 10 tháng 8, vua truyền một quan đình thần cùng 12 người sá nhân tay cầm cờ Thiên hoàng tìm đến đất Yên Việt… Nguyễn Hòa ra xem thì thấy một lá cờ lệnh có tên Thạch Tướng vào nhà bảo với Thạch Tướng. Thạch Tướng truyền mời sứ giả vào và nói rằng: "Về tâu vua làm cho ta một con voi đá cao 10 trượng và trao cả cờ Thiên đế cho ta thì giặc Man sẽ bình". Sứ giả bái tạ trở về triều tâu vua…Giữa ngày 13 tháng 8, nhân dân thiết lập cung đình để vua ngự, nay vẫn gọi là đình Ngự… Thạch Tướng tâu rằng: "Quyền hành chốn nhạc phủ, tước mệnh nơi thiên đình, trời sai xuống giúp bệ hạ trừ Man khấu, đã có chức của thiên đình, đâu giám phiền bệ hạ hậu bào…" Nói xong, Thạch Tướng nhảy lên voi, tay cầm cờ lệnh, quân quyền theo sau ầm ầm như nước chảy, thác reo, thẳng đường tiến lên Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng… một trận quét sạch loài thảo khấu, thiên hạ lại được thái bình. Bình giặc xong, Thạch Tướng về lại trang Tiên Lát rồi lên đỉnh núi Phượng Hoàng (núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn) hóa về trời, hôm đó là ngày 12 tháng 9. Nhân dân làm biểu tấu, vua bèn truyền trăm quân đến nơi Thạch Tướng hóa ở Tiên Lát, địa phận núi đá cao để hành lễ, rồi sai lập đền ngay nơi Ngài hoá để hương khói thờ phụng.

 

 Ban thờ đặt ngai và di ảnh của Thạch Linh thần tướng

Ao Miếu với truyền thuyết về Thạch Linh thần tướng - Di tích lịch sử - nghệ thuật độc đáo.

Ngày nay, di tích Ao Miếu tọa lạc ở trung tâm thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Nhiều người đến với Ao Miếu không chỉ để cầu Phúc, cầu Đức, cầu Tài, cầu Lộc mà còn để được tận mắt chiêm ngưỡng kiến trúc nghệ thuật độc đáo của di tích.

Trước hết, đó là tảng đá tách ra làm ba trong Ao Miếu, người dân vẫn gọi tảng đá ấy là “Đá mẹ”, vì họ tin rằng Thạch Tướng Quân do hòn đá đó nứt mà sinh ra, dân làng Tiên Lát gọi ao có tảng đá ấy là ao Miếu vì có một miếu thờ tảng đá mẹ trong ao; hay người dân còn gọi ao ấy là Thánh Trì (Ao Thánh) vì xuất phát từ sự tích đức thánh Thạch Tướng Quân đã sinh ra ở trong ao đó. Trong ao có mấy phiến đá tách rời nhau, một phiến đá lớn có dựng một ngôi miếu thờ ở trên, còn hai phiến đá nhỏ nằm ngay cạnh phiến đá lớn ấy. Đó đều là các khối đá nhám, màu nâu, nằm thành từng tảng ở một ao nước trong mát và khá rộng. Tương truyền, trên bề mặt tảng đá mẹ trong ao còn có dấu vết của thánh khi sinh ra, đó là dấu vết nơi Thạch Tướng Quân đã ngồi trên đá, hay dấu vết bàn tay năm ngón bám vào phiến đá, bàn chân đạp trên phiến đá. Chính những dấu vết đó là cơ sở để người dân thể hiện niềm tin vào vị thần mình đang thờ cúng.

 

 

 

Miếu thờ Thạch Linh thần tướng trên phiến đá

phía sau tòa đại đền (trong ao Thánh).

 

Đá Mẹ sinh ra Thạch Tướng

Cùng với các di vật đá thiêng, liên quan đến nhân vật Thạch Tướng Quân còn có một số địa danh, điểm thờ của người dân Tiên Lát nhằm tôn kính vị thần Thạch Tướng Quân của mình, đó là đình Ngự nằm trên ngọn núi Lều mà tương truyền rằng, trước khi Thạch Tướng Quân ra trận giết giặc, vua Hùng Tạo Vương đã về trang Tiên Lát ngự lãm tại ngọn núi Lều để trao voi đá, cờ đá, vũ khí đá và tấn phong cho Thạch Tướng Quân ra trận giết giặc. Ngoài ra, theo lời kể của người dân Tiên Lát thì trên các ngọn núi như: núi Bộ Trê, núi Bộ Ngạnh, núi Bộ Thông, núi Bộ Nứa... đều là những địa danh mà các bộ tướng của Thạch Tướng Quân tụ binh đánh giặc. Tại thôn Thượng Lát (Lát lớn) còn có một ngôi đền thờ Bà Chúa Kho, sự tích về bà được kể rằng, khi nhà vua đến vùng Tiên Lát mời Thạch Tướng Quân ra trận giết giặc, vua đã phái một nàng công chúa có húy danh là Thanh Bình đi cùng và giao cho việc trông coi lương thực tại trại Cung (tên một ngọn núi ngày nay). Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ trên núi, gọi là đền thờ Bà Chúa Kho. Trên ngọn núi Tấm Phản xưa kia còn có một con voi đá cụt đầu nằm phục ở đó, theo người dân Tiên Lát thì đó là con voi đá mà Thạch Tướng Quân đã cưỡi ra trận đánh giặc, sau khi chiến thắng trở về đã chặt cụt đầu voi đá vì sợ nó quấy phá dân làng. Đặc biệt, ngọn núi Phượng Hoàng còn có hai ngôi đền thờ Thạch Tướng Quân, thứ nhất là đền trung nằm ở lưng chừng núi, thứ hai là đền thượng nằm trên đỉnh ngọn núi. Theo truyền thuyết, sau khi Thạch Tướng Quân phá tan quân giặc đã trở về trang Tiên Lát từ biệt cha mẹ nuôi rồi lên đỉnh ngọn núi Phượng Hoàng bay về trời. Nhà vua cho xây đền tưởng nhớ chiến công của thần để người dân Tiên Lát đời đời thờ cúng.

Đỗ Quyên - Phòng VHTT

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,391
Tổng số trong ngày: 7,074
Tổng số trong tuần: 46,154
Tổng số trong tháng: 169,450
Tổng số trong năm: 1,045,291
Tổng số truy cập: 7,938,975