Thứ năm, Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024|

Nơi điệu chèo thăng hoa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

Những diễn viên chèo làng Hoàng Mai (gồm các thôn Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, Hoàng Mai 3), xã Hoàng Ninh, Việt Yên vốn là những nông dân chân lấm tay bùn. Bằng tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật chèo truyền thống, từ chiếu chèo sân đình làng, họ đã nhiều lần bước ra sân khâu lớn để giành lấy vinh quang.

Chúng tôi có mặt tại đình làng Hoàng Mai, nơi các thành viên trong đội đang hăng say luyện tập. Sau khi cả đội cùng ôn lại mấy làn điệu chèo, bà Đỗ Thị Khoa, 75 tuổi, biểu diễn một trích đoạn “Thị  Mầu lên chùa” trong vở chèo nổi tiếng “Quan Âm Thị Kính”. Những câu hát và điệu bộ của bà khi nhập vai Thị Mầu làm nhiều người ngây ngất. Diễn xong bà Khoa lại hướng dẫn cho thành viên khác của đội nhập vai này. Bà lưu ý mọi người khi diễn chèo phải đúng nhạc, phách, điệu bộ, câu hát phù hợp với từng dáng đi, bộc lộ được nội tâm của nhân vật.

Bà Đỗ Thị Khoa (người đứng bên phải) truyền dạy cho một thành viên nhập vai Thị Mầu

Là một người có tuổi đời và tuổi nghề cao nhất, bà Khoa là trụ cột, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Bà cùng đội phó Thân Thị Nền, 62 tuổi, đã hoàn tất hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu nghệ nhân. Bà Khoa chia sẻ: “Tôi bắt đầu học hát chèo từ năm 15 tuổi. Khi ấy tôi được cụ kép Viễn, người có công phát triển nghệ thuật chèo ở  Hoàng Mai, trực tiếp truyền dạy. Vai Thị Mầu cũng là do cụ dạy tôi tỷ mỷ từng động tác, từng câu nói, điệu hát. Tôi đã diễn vai này nhiều lần và cũng đã từng giành được giải cao ở một số hội diễn. Gần 60 năm qua, dù cho cuộc sống có nhiều lúc thăng trầm nhưng tôi vẫn dành trọn tình yêu với chèo”.

Cũng giống như bà Khoa, vì say đắm nghệ thuật chèo mà các thành viên trong đội cất công tập luyện.  Từng điệu chèo, từng động tác đi đứng như đã ngấm vào máu thịt của họ. Ông Đoàn Văn Linh, một nhạc công của đội hồ hởi tâm sự: “Tôi rất vui khi được trở thành nhạc công của đội chèo Hoàng Mai. Bản thân tôi phải tự học để chơi tốt các nhạc cụ như sáo,trống. Mỗi lần tham gia tập luyện hay được đi biểu diễn cùng mọi người là tôi rất hào hứng và tự nhủ mình phải thực hiện tốt vai trò của một nhạc công giúp cho vở diễn của đội thêm sinh động, hấp dẫn”. Cũng nói thêm về quá trình hoạt động của đội, đội phó Thân Thị Nền cho biết: “ Hàng tuần chúng tôi sinh hoạt hai buổi. Mỗi khi đến ôn luyện hoặc đi biểu diễn ai nấy đều vui vẻ, hăng hái và đoàn kết. Tất cả đều xuất phát từ tình yêu với chèo. Mà có yêu chèo thì mới gìn giữ được đến ngày hôm nay”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đội chèo Hoàng Mai được thành lập vào tháng 8/1945, trong bối cảnh nước ta vừa giành được chính quyền về tay nhân dân. Sau khi thành lập, đội đã dàn dựng những vở diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và của địa phương qua từng giai đoạn. Từ những năm 1955 – 1956, đội đã dàn dựng và biểu diễn các vở “Con trâu hai nhà”, “Tấc đất tấc vàng”, “Bình dân học vụ” , “Vào tổ đổi công”. Những năm 1957 – 1960, đội lại dàn dựng thêm các vở “Lưu Bình Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Trần Quốc Toản ra quân”. Diễn viên của đội đã đem những vở ấy đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, biểu diễn phục vụ lực lượng vũ trang. Qua đó kịp thời động viên phong trào thi đua yêu nước của các chiến sĩ và người dân những nơi đội lưu diễn. Cùng với đó, Đội chèo Hoàng Mai đã tham dự nhiều hội diễn về nghệ thuật chèo và gặt hái được nhiều phần thưởng cao quý.

Các diễn viên đội chèo Hoàng Mai diễn vở Chuyện cây dừa mừng ngày sinh của Bác và chào mừng cuộc bầu cử

Mới đây, từ ngày 7-9/5/2016, đội tham dự Liên hoan diễn xướng dân gian Chèo sân đình Khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng tại thành phố Hải Phòng với vở diễn “Chuyện cây dừa”. Nội dung vở diễn nói về việc huyện có chủ trương mở đường xây dựng nông thôn mới. Con đường đi qua phần đất nơi trồng một cây dừa của một gia đình liệt sĩ. Cây dừa này do chính anh mang về cho cha mẹ trồng trước khi lên đường vào Nam chiến đấu và hy sinh. Hòa bình lập lại, người cha vào Nam tìm được hài cốt của anh đưa về an nghỉ dưới gốc dừa. Cây dừa như báu vật thiêng liêng của gia đình. Vì thế mà người mẹ liệt sĩ nhất quyết không chấp thuận cho huyện giải phòng mặt bằng làm đường giao thông. Do anh cán bộ dự án huyện, cũng là người yêu của con gái bà, làm tốt cốt tác dân vận, có giải pháp thấu tình đạt lý nên bà mẹ liệt sĩ đã đồng lòng. Với sự diễn xuất tài tình của các diễn viên, đội nghệ thuật Chèo Hoàng Mai  được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch trao tặng 1 Huy chương vàng toàn đoàn. Bà Đỗ Thị Khoa với vai người mẹ liệt sĩ giành 1 Huy chương vàng cá nhân. Mội diễn viên khác của đội cũng giành 1 Huy chương bạc. Đội còn được Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng tặng Bằng khen.

Vở này sau đó được đội công diễn phục vụ người dân ba thôn Hoàng Mai trong dịp xã tổ chức giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Bác và chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Sau mỗi vai diễn đầy ánh hào quang, các diễn viên lại trở về với cuộc sống đời thường. Người còn oằn lưng trên mầy sào ruộng lo bữa cơm cho gia đình. Người thì tất bật kiếm sống với nghề phục vụ âm thanh, ánh sáng cho các đơn vị tổ chức sự kiện. Có người là cán bộ không chuyên trách ở xã. Chính những con người bình thường, giản dị ấy đã làm cho chèo thăng hoa.

Đỗ Tập

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,293
Tổng số trong ngày: 4,712
Tổng số trong tuần: 34,786
Tổng số trong tháng: 267,103
Tổng số trong năm: 852,800
Tổng số truy cập: 7,746,484