Thứ sáu, Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024|

CHUYỆN VỀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG DƯƠNG THỊ CHÍNH

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+

“Tiễn con đi, người mẹ nào không mong đến ngày toàn thắng con được trở về. Thế nhưng vì đất nước lâm nguy, các con nằm lại chiến trường để bà con nhân dân được sống trong yên bình. Đau lắm, nhưng phải gượng dậy, vì lý tưởng chung!”, Mẹ VNAH Dương Thị Chính, ở xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trải lòng.

Cuộc chiến tranh thần thánh ba mươi năm chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc đã một lần nữa ghi nhận công lao chói ngời của những người Mẹ.  Cả  nước có khoảng 47.000 mẹ Việt Nam anh hùng. Đó chỉ là con số tiêu biểu, là quá ít ỏi so với số lượng khổng lồ, thật sự đáng tự hào về sự nghiệp anh hùng của hàng triệu người mẹ trên mọi miền đất nước. Chiến tranh giờ đây chỉ còn là câu chuyện kể, những vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng những hy sinh mất mát người thân vẫn còn đọng lại trong biết bao người mẹ Việt Nam anh hùng có chồng, có con đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc và nằm lại nơi chiến trường cho cuộc sống bình yên hôm nay.

Theo con đường quanh co, chúng tôi tìm đến nhà  mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Chính ở thôn Vân Cốc 3, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ở vào tuổi 90, dù đôi mắt đã có phần mờ đục do tuổi tác và gian khổ thời thanh xuân nhưng trông mẹ Chính vẫn nhanh nhẹn và mẫn tiệp lắm. “Các con tìm nhà mẹ có khó lắm không? Có mệt lắm không?”. Mẹ nghe hết câu trả lời rồi lại hỏi chuyện của mẹ toàn chuyện cũ, chiến tranh, mất mát, hy sinh nghe có chán không? Chúng tôi thưa với mẹ những câu chuyện ấy của mẹ cần cho cuộc sống hôm nay (và chúng tôi) biết chừng nào. Tổ quốc và Mẹ chẳng phải là điều quý giá thiêng liêng nhất trên thế gian này hay sao? Mẹ mỉm cười, từ tốn kể lại câu chuyện của mình… Đó là những ngày tháng gian khổ và ác liệt của những năm chống Mỹ, chống Pháp. Cũng như bao gia đình thời kháng chiến lúc bấy giờ, mẹ cùng chồng gồng gánh nuôi con trưởng thành.

Mẹ Dương Thị Chính( thứ 4 từ trái qua) trong lễ tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cả miền Bắc Việt Nam bị bom đạn cày xới, sự sống và cái chết đến bất thình lình và thường tình như người ta ăn một bữa cơm. Hạt lúa, củ khoai làm ra trong chiến tranh khó khăn vô cùng nhưng mẹ vẫn để dành cho bộ đội. Mẹ tích cực sản xuất, tham gia tốt các phong trào ở địa phương. Mẹ sinh 10 người con, có khi con ẵm nách bụng đã mang bầu nhưng điều đó không khiến mẹ bớt xông xáo, nhiệt tình tham gia cách mạng. Biết chiến tranh là mất mát, hy sinh nhưng đất nước đang oằn mình dưới gót giầy quân xâm lược, mẹ nén lòng động viên chồng con phục vụ kháng chiến. Mẹ đưa tiễn hai người con trai của mình gia nhập quân đội nguyện đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho đất nước. Tiễn con đi, mẹ dặn dò con chân cứng đá mềm, can trường, dũng cảm, mong đất nước hòa bình để con trở về với mẹ

Các anh ra đi mang theo nỗi mong chờ của mẹ. Mắt mẹ dõi theo bước chân con vời vợi. Nhưng chiến tranh không phải trò đùa. Trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường Tây Nam năm 1973 người con cả của mẹ là Hoàng Văn Lợi đã hi sinh. Nỗi đau xé lòng, mẹ muốt nước mắt vào tim, vẫn vững vàng nơi hậu phương đóng góp công sức cho cách mạng và hy vọng người chiến sĩ, người con thứ 2 của mẹ sẽ trở về lành lặn.

5 năm sau, năm 1978,  người con thứ hai của mẹ là Hoàng Văn Quý lại anh dũng hy sinh tại biên giới Tây Nam khi đang ở tuổi đôi mười. Mẹ nghẹn ngào nhớ lại: “ Thằng Quý là đứa nhanh nhẹn, hoạt bát nhất nhà. Ngày đó nó lên tận xã xung phong đi bộ đội thay cho anh. Trước khi đi vào chiến trường miền nam nó được về phép mấy ngày, nó tranh thủ cày cho tôi mấy sào ruộng, sửa lại mái nhà bị dột… thế rồi nó đi và không bao giờ trở lại với mẹ”. Kể đến đây, hai hàng nước mắt của mẹ lăn dài trên má, dường như nỗi đau khi mất các con chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng mẹ. Ngồi cạnh mẹ, chị Trần Thị Ninh, chị dâu của liệt sĩ Hoàng Xuân Quý cũng bùi ngùi kể: “Chú Quý chăm chỉ và khéo tay lắm. Tôi còn nhớ lần về phép đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, chú ấy đã mang về tặng tôi một chiếc khăn tay có thêu bông hoa rất đẹp”.

Nỗi đau mất mát tưởng quật mẹ ngã qụy. Nhưng quê hương vẫn chìm trong vòng kìm kẹp của địch, nén nỗi đau, mẹ gượng đứng lên cùng chung sức với đồng bào đánh giặc. Mẹ tiếp tục cùng gia đình lao động sản xuất xây dựng địa phương vững mạnh. Mẹ bảo” “Là một người mẹ, ai không đau khi mất đi núm ruột của mình. Nhưng mẹ tự hào vì sự hi sinh của các con đem lại ấm no, hòa bình cho tổ quốc, cho giấc ngủ hàng đêm của trẻ thơ không phải giật thót mình, cho bữa cơm gia đình trọn vẹn, cho những đứa trẻ được đến trường…”.

Chia tay mẹ Dương Thị Chính, tôi mang theo câu chuyện của mẹ về nghị lực, lòng yêu nước và bản lĩnh của người công dân trên mảnh đất thuở bị xâm lăng. Mẹ Chính cũng như hàng triệu triệu người mẹ đã cắn răng tiễn con ra trận để giữ vững đất nước hình chữ S thiêng liêng. Hàng triệu triệu người lính ra đi, tuổi thanh xuân mãi nằm lại với chiến trường, nỗi đau xé lòng làm tan nát trái tim người mẹ. Nhưng hơn hết, ở họ là sự kiên cường, anh dũng, qua bao gian nan thử thách vẫn không chịu khuất phục cái ác. Đó là một phần lịch sử bi tráng và anh hùng của đất nước, là bản trường ca bất tử đau thương và kiêu hãnh của người mẹ Việt Nam, và là lý do trường tồn, bất diệt của dân tộc.

Hiện nay mẹ Chính đang ở với người con trai thứ tư là anh Hoàng Văn Phú. Mẹ luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Với những đóng góp lớn lao ấy tháng 7 năm 2014, mẹ Dương Thị Chính được nhà nước phong tặng là Mẹ Việt Nam anh hùng và được Ban chỉ huy quân sự huyện Việt Yên nhận phụng dưỡng suốt đời.

Nguyễn Thị Việt Hằng

 

 

Video Video

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,125
Tổng số trong ngày: 6,503
Tổng số trong tuần: 42,581
Tổng số trong tháng: 274,898
Tổng số trong năm: 860,595
Tổng số truy cập: 7,754,279