Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ra đời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Sau 20 năm triển khai và phối hợp tổ chức, Ngày hội đã cho thấy sự tác động nhiều mặt trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, cổ vũ, động viên tinh thần của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự phối hợp, triển khai và tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, Ngày hội đã tạo nên những điểm nhấn, theo những sắc thái riêng của mỗi địa phương, cộng đồng dân tộc.

          Trong giai đoạn mới, ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội tại mỗi địa bàn cơ sở, tiền đề để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống chính trị các cấp tập hợp, đoàn kết và phát huy hiệu quả vai trò khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn tiếp theo. Với những thành tựu của đất nước trong công cuộc đổi mới, kế thừa kết quả 20 năm triển khai tổ chức Ngày hội cho thấy thuận lợi là cơ bản, song cũng còn một số khó khăn tác động đến kết quả tổ chức Ngày hội.

        Trong mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, từng địa phương các giá trị truyền thống được bảo tồn và tôn vinh. Thông qua Ngày hội là dịp trao truyền các giá trị văn hóa, nơi giao thoa văn hóa của mỗi cộng đồng, qua đó giúp cho Ngày hội có những nét riêng có của mỗi vùng. Dịp để mỗi thành viên sinh sống, học tập bên ngoài cộng đồng được hội tụ gia đình; tri ân với ông bà, cha mẹ; góp công, góp sức tham gia xây dựng cộng đồng. Nhiều địa phương đã tổ chức được "Bữa cơm Đại đoàn kết"; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt... đã cho thấy những giá trị mới trong quá trình tổ chức Ngày hội.

        Bên cạnh những kết quả đạt được của quá trình tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc tổ chức Ngày hội còn nhiều vấn đề khó khăn, yếu kém cần phải khắc phục. Việc hướng dẫn, tổ chức triển khai Ngày hội còn nhiều lúng túng, thiếu tính sáng tạo. Tính chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp, xác định phướng hướng chỉ đạo và nội dung thực hiện tại mỗi địa phương chưa rõ nét. Thiếu hình thức tổ chức trên các địa bàn đặc thù, đặc biệt là địa bàn có đông đồng bào theo các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực vùng sâu, vùng xa. Chất lượng tổ chức Ngày hội chưa đồng đều; nội dung và hình thức tổ chức Ngày hội chưa được coi trọng; một số địa phương còn tổ chức hình thức, nặng về phần lễ, chưa chú trọng đến phần hội. Chỉ dành nhiều công sức cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo đối với các địa phương được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Ngày hội. Một số địa phương, nhất là các khu đô thị khó lựa chọn được địa điểm tổ chức; địa bàn nông thôn tỉ lệ Nhân dân tham gia phần lớn là người cao tuổi, đội ngũ giáo viên, học sinh.

        Tính gắn kết giữa các cộng đồng trong tổ chức Ngày hội chưa cao, phần lớn mới dừng ở việc tổ chức đơn lẻ trong mỗi cộng đồng dân cư, chưa có những hình thức tổ chức trên một khu vực tập trung là nguyên nhân chủ yếu làm cho Ngày hội lan tỏa chưa cao.

* Một số giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư

1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò của đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội

Tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các cấp phải nhận thức sâu sắc mọi đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; về triển khai, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; về giá trị và ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội... Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong tham gia các hoạt động của Ngày hội.

2. Phát huy sự sáng tạo đổi mới trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương

Ngày hội được tổ chức tại mỗi cộng đồng dân cư, do vậy, Ngày hội chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi có sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân sinh sống tại cộng đồng. Đổi mới tư duy trong tổ chức Ngày hội luôn thống nhất và hài hòa với nhu cầu đời sống của Nhân dân với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương. Chú trọng hình thức tổ chức liên khu dân cư, cách thức tổ chức tập trung trên địa bàn toàn xã. Từng bước giảm thiểu thời gian tổ chức của phần lễ, đưa nội dung của phần lễ trong thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua triển lãm không gian ảnh, tiểu phẩm văn hóa, văn nghệ, hội thi...

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, chủ động đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tập trung làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, đánh giá; kịp thời đúc rút những kinh nghiệm để phổ biến nhân rộng, đồng thời khắc phục những hạn chế thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện.

4. Bảo đảm nguồn lực và xã hội hóa nguồn lực trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác bố trí nguồn lực, đề xuất, kiến nghị, giám sát nguồn ngân sách cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận; đặc biệt là giám sát nguồn kinh phí cho thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Ban Công tác Mặt trận. Đề xuất công khai minh bạch nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động cho Ban Công tác Mặt trận theo quy định.

5. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò của chính quyền các cấp đối với việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực

Cấp ủy Đảng, chính quyền chủ động lãnh đạo, đề xuất với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp xây dựng chương trình hành động về đổi mới nội dung và phương thức tổ chức Ngày hội, thẳng thắn trao đổi, thảo luận, tìm các giải pháp mới có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra điểm nhấn tích cực trong tổ chức Ngày hội phù hợp với từng địa bàn, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và dành nhiều thời gian tham dự các hoạt động trong dịp tổ chức Ngày hội với Nhân dân, xem đây là giải pháp tích cực để gần dân, nắm bắt tình hình cơ sở, qua đó có những quyết sách tích cực trong thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

 

Nguyễn Hằng, MTTQ tỉnh

TRẦN CÔNG THẮNG
Ủy viên BTV Tỉnh ủy
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 21,143
Tổng số trong ngày: 1,689
Tổng số trong tuần: 3,550
Tổng số trong tháng: 66,043
Tổng số trong năm: 385,250
Tổng số truy cập: 1,684,213